TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 117 CN  30.12.2007

 

Web site www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

 

Mục lục

 

 Mục lục.

Lễ Thánh Gia.

MỘT GIA ĐÌNH TUYỆT VỜI.

Thánh lễ nửa đêm Giáng Sinh tại Vatican.

“Thiên Chúa đi tìm một nơi chốn, dẫu phải vào một chuồng bò”  Bài giảng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Lễ Đêm Giáng Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

“Các Cá Nhân Cũng Như các Quốc Gia Hãy Đừng Ngại Đón Nhận Người”   Thông điệp Giáng Sinh của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, ban hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô trưa ngày lễ Giáng Sinh.

Các Học Giả Hồi Giáo Chúc Mừng Giáng Sinh và Nhận Lời Mời Đối Thoại

Tổng thống Iran gởi điện chúc mừng Giáng Sinh đến Đức Thánh Cha.

CỰU THỦ TƯỚNG ANH – ÔNG TONY BLAIR – THEO ĐẠO CÔNG GIÁO..

VÀI NÉT VỀ KHU TÒA KHÂM SỨ..

Lễ hội Giáng Sinh của người có hoàn cảnh đặc biệt: Nơi sẻ chia tình người

Lễ Chúa Giáng Sinh là Ngày Hội của những người khuyết tật

ĐÊM GIÁNG SINH ĐẶC BIỆT TẠI HÀ NỘI.

LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ ĐẦU TIÊN XÂY DỰNG NHÀ THỜ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM ĐA TÔNG, ĐAMRÔNG, ngày 07/12/2007, GIÁO HẠT ĐỨC TRỌNG, ĐỊA PHẬN ĐÀ LẠT.

Giã từ năm 2007: những nhân vật nổi bật đã qua đời trong một năm qua.

Nhìn lại cuộc sống.

SỨ MẠNG GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO..

THIÊN-CHÚA-Ở-CÙNG-CHÚNG-TA..

TÌNH YÊU..

TÀI LIỆU THƯỜNG HUẤN LINH MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT 2007.

TÌM HIỂU VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ TẬP TỤC MA CHAY CỦA..

NGƯỜI CHURU Ở ĐƠN DƯƠNG – LÂM ĐỒNG..

HẠNH PHÚC HAY NẤM MỒ, ĐỀU LÀ TẠI MÌNH..

CHIA SẺ CÔNG TÁC MỤC VỤ GIÁO XỨ TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY (tiếp theo)

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

 

Lễ Thánh Gia

 Mt 2, 13-15. 19-23

"Hãy đem Con Trẻ và mẹ Người trốn sang Ai-cập".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi các đạo sĩ đã đi rồi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: "Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người". Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm cho trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: "Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập".

Bấy giờ Hêrôđê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe những tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.

Khi Hêrôđê băng hà, thì đây thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ bên Ai-cập và bảo: "Hãy chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã chết". Ông liền chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel. Nhưng nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ không dám về đó. Được báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ Galilêa, và lập cư trong thành gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua các tiên tri rằng: "Người sẽ được gọi là Nadarêô". Đó là lời Chúa.

 

MỘT GIA ĐÌNH TUYỆT VỜI

Nói đến gia đình, ai cũng cảm thấy như đang nói về gia đình của mình. Mà sao không sung sướng,hạnh phúc khi mỗi người đều hãnh diện có một mái ấm gia đình. Người ta sẽ khen một ai đó khi họ vui vì họ có một gia đình tốt đẹp, một gia đình hiệp nhất, yêu thương. Và đáng chê trách khi người nào đó không biết tôn trọng gia đình của mình. Chúa Giêsu đã không đi ra ngoài con đường thường tình của mọi người, Ngài cũng có một gia đình. Nhưng thử hỏi gia đình của Chúa Giêsu có gặp thử thách khó khăn không ?

 

MỘT GIA ĐÌNH TUYỆT ĐỐI THÁNH NHƯNG CŨNG GẶP RẤT NHIỀU KHÓ KHĂN, RẮC RỐI :

 

Thiên Chúa đã chọn cho Con của Ngài một phương cách rất tự nhiên, rất thật, rất thực tế để vào đời. Chúa Giêsu vì là Chúa, Người có thể vào trần gian bằng nhiều cách. Hoặc tự vươn vai lớn lên như Phù Đổng, như thánh Gióng hoặc giáng trần như những nhân vật huyền thoại, Chúa đã không làm như thế, Ngài đã chọn một gia đình có cha có mẹ để sinh ra. Tuy nhiên, việc sinh ra của Chúa Giêsu không phải dễ dàng như ta lầm tưởng. Mẹ của Chúa Giêsu là Maria, đã có thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Chính việc mang thai này đã làm cho người bạn đời của Đức Mẹ là thánh Giuse phải trăm ngàn lo âu, bối rối. Khi chưa hiểu ý định của Thiên Chúa, thánh Giuse đã định tâm lìa bỏ Maria một cách kín đáo.” Ông Giuse chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” ( Mt 1, 19 ). Đây là nỗi khổ tâm tột cùng của Giuse. Tuy nhiên biết được ý định của Thiên Chúa, thánh Giuse hoàn toàn tôn trọng chương của Người. Thánh Giuse “khước từ đứa con theo xác thịt” thì Ngài lại nhận được đứa con của lời hứa ( Gl 4, 23 ). Còn Maria, Mẹ đã khấn tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, nên khi Thiên Thần Gaprien ngỏ ý về việc Người sẽ mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần, Mẹ không khỏi bối rối, ngượng ngùng và âu lo. Nhưng với lời giải thích của thiên thần Gaprien, Maria đã nói lời xin vâng hết sức tuân phục chương trình của Thiên Chúa. Rồi việc về quê làm hộ tịch, hộ khẩu theo lệnh kiểm tra của Césarê Augustô, thanh Giuse và mẹ Maria không có chỗ nơi quán trọ. Mẹ đản sinh Con Thiên Chúa nơi hang bò lừa Bêlem. Tất cả đều là những thử thách, tất cả đều là những hoang mang cho gia đình Thánh Gia. Việc đưa con trẻ Giêsu và Mẹ Maria trốn qua Ai Cập để tránh Hêrôđê đang tìm giết các con trẻ. Rồi sau này việc lạc mất Chúa Giêsu trong đền thánh Giêrusalem khi Người được 12 tuổi.

 

Những biến cố ấy đều là những vụ việc làm gia đình Thánh Gia không khỏi lo âu, suy nghĩ. Tuy nhiên tất cả đều là hồng ân. Mẹ Maria và thánh Giuse đã luôn can đảm vượt qua và phó thác nơi Thiên Chúa.

 

GIA ĐÌNH THÁNH GIA MỜI GỌI MỌI GIA ĐÌNH NOI GƯƠNG BẮT CHƯỚC CHÚA GIÊSU, MẸ MARIA VÀ THÁNH GIUSE :

 

Sở dĩ gia đình Thánh Gia luôn đứng vững vì Ba Đấng luôn phó thác, luôn tôn trọng lẫn nhau trên thuận dưới hòa. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa nhưng mặc lấy xác phàm làm người, Ngài luôn tỏ ra hiếu thảo, tôn trọng và thương yêu thánh Giuse và Mẹ Maria. Thánh Giuse là cột trụ trong gia đình Thánh Gia nhưng lúc nào Người cũng yêu thương, tôn trọng Mẹ Maria và kính yêu Chúa Giêsu. Tất cả Ba Đấng đều sống tình con thảo đối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu khi đi rao giảng đã đủ 30 tuổi thì họ hàng bà con lại cho rằng Ngài bị mất trí và khi đứng dưới chân thập giá lòng Mẹ hoàn toàn nát tan. Sở dĩ gia đình Thánh Gia giữ được hạnh phúc vì  luôn có Chúa hiện diện mà nơi đâu có Chúa hiện diện nơi đó tình yêu ngự trị, nơi đó thiên đàng có mặt. Gia đình Thánh gia hạnh phúc vì các thành viên trong gia đình luôn biết lắng nghe lời Chúa và chóng vánh đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống của mình. Hạnh phúc của Thánh Gia là vì các thành viên trong gia đình luôn phó thác và tin tưởng vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha.

 

Gia đình Thánh Gia là mẫu gương tuyệt vời cho mọi gia đình Kitô hữu và mọi gia đình noi theo bắt chước. Bởi vì, trong bất cứ nghịch cảnh nào của cuộc đời gia đình Thánh Gia cũg luôn sống trong sự ấm êm hạnh phúc.

 

Thế giới ngày nay, nhiều gia đình đang bị đe dọa lung lay vì họ không biết sống trật tự của gia đình, không biết lắng nghe lời Chúa và thực thi lời Chúa.

 

Lạy Thánh Gia xin giúp mọi gia đình luôn biết sống noi gương gia đình của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse để tất cả các gia đình đều tìm được hạnh phúc trong cuộc đời này. Amen.

 

 

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

Mục lục

 

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

 

Thánh lễ nửa đêm Giáng Sinh tại Vatican

 

Vatican - Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã kêu gọi các tín hữu hãy dành thời gian cho Chúa và cho những người túng thiếu khi ngài cử hành thánh lễ Giáng Sinh bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô tại Vatican.

Lặp lại một chủ đề mà ngài thường đề cập đến, Đức Thánh Cha đã cảnh báo về sự gia tăng ảnh hưởng của chủ nghĩa thế tục. Ngài nói rằng nhiều người ngày nay hành xử như thể không còn chỗ cho những vấn đề tâm linh trong cuộc đời họ.


“Con người quá bận rộn với chính mình, con người có những nhu cầu cấp bách ở mọi nơi mọi lúc cho những vấn đề của riêng mình đến nỗi không còn gì còn lại cho những người khác, cho người lân cận, cho người nghèo, cho Thiên Chúa”.


Trong bài giảng bằng tiếng Ý trước hàng chục ngàn người chật kín Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã hô hào người Công Giáo suy tư về đời mình và tạo ra những chỗ cho Thiên Chúa cũng như cho những người kém may mắn hơn trong đời họ.


“Chúng ta còn có thời giờ không để dành cho người lân cận, người đang cần đến một lời an ủi của chúng ta, của tôi, hay đang cần đến niềm cảm thông của tôi? Chúng ta còn có thời giờ không để dành cho những người đau khổ đang cần đến sự giúp đỡ? Chúng ta còn có thời giờ không để dành cho người đang phải trốn tránh hay người tỵ nạn đang cần đến nơi nương tựa? Chúng ta còn thời gian và không gian cho Chúa không?”


Đức Thánh Cha đã so sánh để nêu bật sự tương đồng giữa cảnh người chủ quán xua đuổi Thánh Gia Thất và thái độ từ khước Thiên Chúa của xã hội hôm nay.


Đức Thánh Cha nhận xét chua chát: “Trong cách nào đó, nhân loại đang chờ đợi Chúa, mong Ngài đến gần. Nhưng khi thời khắc ấy xảy đến, lại không có chỗ cho Người”.


Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sứ điệp Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa còn một điểm nữa là “Thiên Chúa không để cho chính mình bị gạt ra. Ngài tìm một chỗ, ngay dù chỗ ấy có nghĩa là phải bước qua một chuồng gia súc; để rồi có những con người thấy ánh sáng của Ngài và thông truyền ánh sáng ấy”.


Lễ Nửa Đêm bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô tại Vatican đã được 88 đài truyền hình truyền đi đến 60 quốc gia khác nhau. Tại 42 quốc gia, Lễ Nửa Đêm được truyền hình trực tiếp. Ngay cả tại Cuba, người dân cũng có thể theo dõi Lễ Nửa Đêm tại Vatican.


Trước khi cử hành Thánh Lễ Nửa Đêm, Đức Thánh Cha đã chúc lành cho những khách hành hương khi ngài cùng đoàn rước tiến lên bàn thờ chính được trang điểm bằng những hoa poinsettia đỏ.


Trong khi ca đoàn hát bài ca nhập lễ, Đức Thánh Cha đã xông hương bàn thờ trước khi chào bình an bằng lời chào truyền thống tiếng La Tinh "Pax vobis" (Bình an cho anh chị em).


4 trẻ em trong các quốc phục riêng của quốc gia các em đã mang hoa lên bàn thờ đặt gần bên tượng Chúa Hài Đồng trong khi Đức Thánh Cha trong phẩm phục trắng và vàng kim đã cùng hát với ca đoàn Sistina của Tòa Thánh.


Bên ngoài Đền Thờ Thánh Phêrô, người ta đặt những màn hình lớn dành cho những người không vào được bên trong vì quá đông. Quảng trường Thánh Phêrô đầy hoa với những ánh điện lung linh từ cây thông Giáng Sinh và từ máng cỏ khổng lồ với những tượng to bằng người thật.


Các viên chức Tòa Thánh đã bỏ những màn che vào sáng hôm thứ Hai để người ta có thể thấy tượng Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse to bằng người thật trong một ngôi nhà to bằng nhà thật nằm kế cận cây thông Giáng Sinh.


Năm nay, cảnh Chúa Giêsu sinh ra được mô tả như là ngôi nhà Thánh Giuse ở Nazareth hơn là máng cỏ truyền thống tại Bethlehem. Các viên chức Tòa Thánh giải thích trong buổi lễ khai mạc hôm thứ Hai là sự thay đổi này cho thấy Chúa Giêsu không chỉ sinh hạ ở một nơi thôi nhưng là ở mọi nơi và cho mọi người.


Vài giờ trước khi cử hành Thánh Lễ Nửa Đêm, Đức Thánh Cha đã xuất hiện ở cửa sổ phòng làm việc và đốt lên ngọn nến hòa bình. Ngài đã ban phép lành cho anh chị em tín hữu.

Mục lục

 

Thiên Chúa đi tìm một nơi chốn, dẫu phải vào một chuồng bò”

 Bài giảng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Lễ Đêm Giáng Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô

 

Anh chị em thân mến,

 

“Bà Maria đã đến mgày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2, 6tt.). Mỗi lần nghe những lời này tâm hồn chúng ta dạt dào xúc động. Đó là lúc mà thiên sứ đã báo trước tại Nadatét: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1, 31). Đó là giây phút mà Israel từng trông đợi hằng thế kỉ trải qua biết bao giờ phút đen tối- giây phút toàn thể nhân loại cũng đang trông chờ bằng tâm tư chưa được sáng tỏ: bao giờ Thiên Chúa mới dủ thương, bao giờ Người mới tỏ hiện, bao giờ vũ trụ mới được cứu chuộc và Thiên Chúa canh tân mọi sự. Chúng ta có thể hình dung ra một hình thức chuẩn bị nội tâm, một cách thức mà Mẹ Maria tiếp nhận giờ phút ấy. Câu ngắn gọn này: “Bà lấy tã đặt con” cho chúng ta thoáng nhìn thấy niềm vui thánh thiện cũng như lòng hăng say lặng lẽ trong việc chuẩn. Tã lót đã sẵn sàng để hài nhi được chào đón xứng đáng. Tuy nhiên quán trọ lại không còn chỗ. Một cách nào đó thì nhân loại đang mong đợi Chúa, đang trông chờ Người đến gần. Nhưng giờ phút ấy đến thì lại không có chỗ cho Người. Con người quá quan tâm đến mình, họ gấp gáp chiếm dùng mọi không gian, mọi giờ khắc cho chuyện riêng của họ đến nỗi không còn chỗ nào cho tha nhân- cho người lân cận, cho người nghèo, cho Thiên Chúa. Con người càng giàu có bao nhiêu họ càng lấp đầy không gian của chính họ, và càng ít chỗ cho tha nhân bấy nhiêu.  

 

Tin Mừng Gioan đã đi vào cốt lõi của vấn đề, vạch tả được chiều sâu cho bản tường thuật ngắn gọn của Thánh Luca về hoàn cảnh tại Bêlem: “Người đã đến nhà mình mà người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga , 11). Điều này trước hết chỉ về Bêlem: Con Vua Đavít đến kinh thành của chính Người, nhưng lại phải sinh hạ trong một chuồng bò, bởi vì không có chỗ cho người trong quán trọ. Và câu ấy cũng chỉ về Israen: Đấng được sai đến với họ nhưng họ không đón nhận Người. Và thực sự câu ấy chỉ về toàn thể nhân loại: Đấng nhờ Người mà vũ trụ được tạo thành, là Ngôi Lời-Tạo Dựng Nguyên Uy đi vào thế giới, nhưng người ta không nghe, không đón rước Người.

 

Những lời đó cuối cùng chỉ về chúng ta, cho mỗi cá nhân và toàn thể xã hội. Chúng ta có chia sẻ thời giờ cho những người cần một lời an ủi của tôi, của chúng ta? Cho những người đau khổ đang cần sự giúp đỡ? Cho những người đang phải trốn chạy hoặc người tị nạn đang tìm một nơi nương náu? Chúng ta có dành thời giờ và chỗ ở cho Thiên Chúa không? Người có thể bước vào cuộc đời của chúng ta không? Người có thể tìm được chỗ ở nơi chúng ta không, hay là chúng ta chiếm hết mọi chỗ trong tư tưởng, hành động, đời sống cho chính mình?

 

Tạ ơn Chúa, chi tiết tiêu cực này không phải là diều duy nhất hoặc điều sau cùng chúng ta thấy trong Tin Mừng. Chính trong Tin Mừng Luca chúng ta nhận thấy tình yêu từ mẫu của mẹ Maria và lòng trung tín của Thánh Giuse, sự canh thức và niềm vui của các mục đồng; còn trong Matthêu chúng ta gặp thấy cuộc thăm viếng của các nhà chiêm tinh từ phương xa; và cũng chính Thánh Gioan nói với chúng ta: “Còn những ai đón nhận Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 12). Vẫn có những người đón nhận Người, bắt đầu với chuồng bò, với không gian bên ngoài, nhưng nơi đó âm thầm mọc lên một căn nhà mới, một thành phố mới, một thế giới mới. Sứ điệp Giáng Sinh giúp chúng ta nhận ra bóng tối của một thế giới đóng kín, một nơi tỏ rõ một thực tại mà chúng ta nhìn thấy hằng ngày. Tuy nhiên, thế giới đó cũng cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không để cho mình phải đứng ngoài. Người tìm một không gian, dẫu phải bước vào một chuồng bò; có những người nhìn thấy ánh sáng của Người và chuyển thông ánh sáng ấy. Qua lời trong Tin Mừng, sứ thần cũng nói với chúng ta, và trong phụng vụ thánh ánh sáng của Đấng Cứu Chuộc bước vào cuộc đời chúng ta. Dù là mục đồng hay là các “nhà chiêm tinh”- ánh sáng và sứ điệp của nó mời gọi chúng ta lên đường, từ bỏ những ước muốn và những lợi ích nhỏ hẹp của chúng ta để ra đi gặp Chúa và thờ lạy Người. Chúng ta thờ lạy Người bằng cách mở thế giới này ra với sự thật, với điều thiện, với Chúa Kitô, để phục vụ những người bị loại bỏ mà trong họ Người chờ đợi chúng ta. Trong một vài cảnh Giáng Sinh tại miền Trung Đông thời cổ cũng như hiện nay, chuồng bò được diễn tả như một cung điện đổ nát. Người ta vẫn còn có thể nhận thấy vẻ huy hoàng xa xưa của nó, nhưng bây giờ, nó đã trở nên hoang tàn, các bức tường đang sụp đổ- đích thực nó đã trở thành một chuồng bò. Dù thiếu cơ sở lịch sử, sự giải thích có tính ẩn dụ này vẫn diễn tả một sự thật nào đó tiềm ẩn trong mầu nhiệm Giáng Sinh. Ngai vàng vua Đavít đã được hứa là sẽ trường tồn, bây giờ trống trọi. Những kẻ khác cai quản Đất Thánh. Giuse, hậu duệ nhà Đavít, chỉ là một bác thợ; lâu đài thật ra đã trở thành một căn nhà tồi tàn. Chính Đavít đã khởi đầu sự nghiệp là một mục đồng. Khi ông được Samuel tìm để xức dầu, thì người ta không thể chấp nhận và cho là vô lí khi thấy một đứa trẻ mục đồng như ông lại có thể trở thành một người thực hiện lời hứa của Israel. Trong chuồng bò Bêlem, chính thị trấn khởi đầu tất cả thì vương quyền Đavít lại bắt đầu theo một cách mới mẻ- nơi một hài nhi cuốn trong khăn và đăt trong máng cỏ. Ngai vàng mới mà từ đó vị Vua Đavít này sẽ lôi kéo mọi người đến với Người là Thánh Giá. Ngai vàng mới- Thánh Giá- phù hợp với sự khởi đầu mới trong chuồng bò. Nhưng đây chính là cách thức lâu đài Đavít thực sự, vương quyền thực sự được xây dựng. Cung điện mới này hoàn toàn khác bịêt với một cung điện và vương quyền mà người ta có thể mường tượng. Đó chính là cộng đoàn những người để cho tình yêu Chúa Kitô lôi cuốn và trở nên một thân thể với Người, trở nên một nhân loại mới. Quyền năng phát xuất từ Thánh Giá, quyền năng của sự thiện trao ban chính mình, đó là vương quyền đích thực. Chuồng bò trở thành một cung điện- và từ khởi điểm này, Chúa Giêsu xây dựng cộng đồng mới và rộng lớn, mà từ ngữ cốt lõi để diễn tả chính là lời sứ thần hát vào giây phút giáng sinh Người: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”- những ai đặt ý muốn của họ vào trong ý muốn của Người, thì họ đang trở nên con cái Thiên Chúa, trở nên người mới, một thế giới mới.

 

Thánh Grêgôriô thành Nyssa, trong bài giảng lễ Giáng Sinh đã khai triển cùng một cái nhìn như sứ điệp Giáng Sinh trong Tin Mừng Gioan: “Người đã cắm lều giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Thánh Grêgôriô áp dụng đoạn nói về cái lều này cho cái lều thân xác chúng ta, đang trở nền tàn tạ và yếu ớt, luôn phải dãi dầu với đau khổ. Và ngài cũng áp dụng cho cả vũ trụ, bị xâu xé và biến dạng vì tội lỗi. Ngài sẽ nói gì khi chứng kiến tình trạng thế giới hôm nay, qua việc sử dụng quá mức năng lượng cùng sự khai thác ích kỉ và vô độ? Thánh Anselmô thành Canterbury, với tư cách như một ngôn sứ, đã diễn tả một cái nhìn về điều mà chúng ta chứng kiến hôm nay trong một thế giới ô nhiễm mà tương lai của nó đang bị đe doạ: “Mọi sự từng được dựng nên để phụng sự những ai ca tụng Thiên Chúa thì dường như chết, đã mất hết phẩm giá. Những yếu tố của thế giới bị bòn rút, chúng đã mất hết vẻ huy hoàng vì bị lạm dụng bởi những người làm nô lệ cho các ngẫu tượng, những thứ không được tạo dựng” (Pl 158, 955f.). Như thế, theo cái nhìn của Thánh Grêgôriô, chuồng bò trong sứ điệp Giánh Sinh biểu thị một thế giới bị đối xử tồi tệ. Điều Chúa Kitô xây dựng lại không phải là một cung điện  bình thường. Người đến để khôi phục vẻ đẹp và phẩm giá của thụ tạo, của  vũ trụ: đây là điều đã bắt đầu tại Lễ Giáng Sinh và làm cho các thiên thần hân hoan. Trái Đất được tái lập theo trật tự tốt đẹp nhờ việc nó được hướng mở về Thiên Chúa để nhận lại ánh sáng mới, và được đặt trong sự hài hoà giữa thánh ý Thiên Chúa và ý muốn của con người, trong sự giao hoà giữa trời và đất, nó nhận lại được vẻ đẹp và phẩm giá của nó. Như thế, Giáng Sinh là một lễ hội mừng thụ tạo được tái lập. Chính trong bối cảnh này mà các Giáo Phụ diễn giải bài ca của các thiên thần trong đêm thánh: nó diễn tả một niềm hân hoan và sự kiện trời cao và vực sâu, Trời và Đất một lần nữa được giao hoà lại; con người lại được hiệp thông cùng Thiên Chúa. Theo các Giáo Phụ, một phần của bài hát Giáng Sinh mà các thiên thần ca hát đó, giờ đây con người có thể cùng đồng ca với các thiên thần, và như vậy vẻ đẹp của vũ trụ được diễn tả trong vẻ đẹp của bài tụng ca. Phụng ca- vẫn theo các Giáo Phụ- có một phẩm giá riêng biệt vì nó được cùng diễn xướng với các ca đoàn thiên quốc. Chính sự gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô làm cho chúng ta có thể nghe được bản nhạc của các thiên thần, như vậy tạo nên âm nhạc đích thực, sẽ tan biến đi khi chúng ta không còn hát còn nghe chung với nhau nữa.

 

Trong chuồng bò Bêlem, Trời và Đất gặp nhau. Trời đã bước xuống Đất. Vì lí do đó, một luồng sáng từ chuồng bò toả chiếu cho mọi thời đại; vì lí do đó niềm vui đã bừng toả; vì lí do đó bài ca đã vang xa. Vào phần cuối của bài suy niệm Giáng sinh này tôi xin trích dẫn một đoạn văn nổi tiếng của Thánh Augustinô. Khi diễn giải kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, ngài đặt câu hỏi: Trời là gì? Và Trời ở đâu? Và ngài đưa ra một câu trả lời bất ngờ: “…Đấng ngự trên Trời- nghĩa là các thánh và những người công chính. Vâng, các tầng trời là những thiên thể cao nhất trong vũ trụ, nhưng chúng vẫn chỉ là những vật thể, chỉ tồn tại trong một nơi chốn nhất định. Nếu chúng ta tin Thiên Chúa ngự trên các tầng trời, nghĩa là ở chốn cao xa nhất của thế giới, thì những con chim may mắn hơn chúng ta, vì chúng được sống gần Thiên Chúa hơn. Nhưng chẳng có lời nào chép rằng: ‘Chúa ở gần những ai sống trên nơi cao hay trên miền núi’, đúng ra có lời chép: ‘Chúa ở gần những tâm hồn tan nát’ (Tv 34, 18 [33, 19]), một cách diễn tả sự khiêm nhường. Như người tội lỗi được gọi là ‘Đất’ thì ngược lại người công chính được gọi là ‘Trời’”(Sermo in monte II 5, 17). Trời không thuộc về một không gia địa lí, nhưng là nơi chốn của tâm hồn. Và trái tim của Thiên Chúa, trong Đêm Thánh ấy, đã nghiêng xuống chuồng bò: sự khiêm hạ của Thiên Chúa là Trời cao. Và nếu chúng ta đạt đến sự khiêm nhừơng này thì chúng ta vươn tới Trời Cao. Lúc đó cả Đất thấp cũng được đổi mới. Cùng với những mục đồng khiêm hạ, trong Đêm Thánh này, chúng ta hãy hối hả chạy đến với Hài Nhi trong chuông bò! Chúng ta hãy chạm vào sự khiêm cung của vị Thiên Chúa, vào trái tim của Thiên Chúa! Và niềm vui của Người sẽ tiếp chạm đến chúng ta và làm cho thế giới này trở nên rạng rỡ hơn. Amen.

 

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung dịch

 

Mục lục

 

 “Các Cá Nhân Cũng Như các Quốc Gia Hãy Đừng Ngại Đón Nhận Người”

 

 Thông điệp Giáng Sinh của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, ban hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô trưa ngày lễ Giáng Sinh.

 

 

 “Ngày thánh đã bừng lên chiếu rọi chúng ta.

Muôn dân hỡi đến mà thờ lạy Chúa.

Vì hôm nay ánh huy hoàng rực rỡ toả xuống trên địa cầu.”

 (Lời tung hô trước Tin Mừng, Thánh Lễ Ban Ngày)

 

Anh chị em thân mến! “Ngày thánh đã bừng lên chiếu rọi chúng ta.” Một ngày tràn ngập hi vọng: hôm nay Đấng Cứu Chuộc nhân loại sinh ra. Một em bé chào đời thường mang đến một ánh sáng hi vọng cho những ai đang nôn nao đợi chờ. Khi Chúa Giêsu sinh ra tại chuồng bò xứ Bêlem thì “một nguồn ánh sáng huy hoàng rực rỡ” đã xuất hiện trên địa cầu; một niềm hi vọng lớn lao đã thâm nhập tâm hồn những ai đón chờ Người: theo cách diễn tả của phụng vụ lễ Giánh Sinh hôm nay, “lux magna ” (một nguồn sáng vĩ đại). Chúng ta nhìn nhận rằng đó không phải là “vĩ đại” theo cách thức thế gian, vì những người đầu tiên chứng kiến chỉ có Mẹ Maria, Thánh Giuse và một số mục đồng, rồi đến các Nhà Chiêm Tinh, cụ già Simêon, và bà tiên tri Anna: những người đã được Chúa chọn. Tuy nhiên trong bóng đêm và sự thinh lặng của đêm thánh ấy, một ánh sáng huy hoàng rực rỡ không lụi tàn đã chiếu soi mỗi người; niềm hi vọng lớn lao đã mang đến cho thế gian hạnh phúc: “Ngôi Lời đã làm người, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người” (Ga 1, 14).

 

Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là ánh sáng, nơi Người không có một chút bóng tối nào.” (1 Ga 1, 5). Trong sách Sáng Thế chúng ta đọc thấy rằng khi vũ trụ được tạo thành thì “đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm.” “Thiên Chúa phán, ‘hãy có ánh sáng’; liền có ánh sáng.” (St 1, 2-3). Ngôi Lời Thiên Chúa Sáng Tạo là Anh Sáng, là nguồn sự sống. Mọi vật đã được tạo dựng bởi Logos, và không có Người thì chẳng vật gì được tạo thành (x. Ga 1, 3). Vì thế mọi thụ tạo đều tốt đẹp và mang trong mình dấu ấn của Thiên Chúa, một tia sáng của Người. Tuy vậy, khi Chúa Giêsu được sinh ra bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria thì chính Anh Sáng đã đi vào trong thế gian: như lời truyên xưng trong Kinh Tin Kính, “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Anh Sáng bởi Anh Sáng”. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã mặc lấy những gì không phải là Người trong khi vẫn giữ nguyên bản thể Người: “Đấng Toàn Năng đã nhận lấy hình hài một hài nhi và không ngừng cai quản vũ trụ” (x. Thánh Augustinô, Sermo 184, s.1 về Lễ Giáng Sinh). Đấng Tạo Dựng con người đã trở nên con người để đem hoà bình cho thế giới. Chính vì thế, trong đêm Giáng Sinh, ca đoàn các thiên thần vang hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, và bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2, 14).

 

 “Hôm nay ánh huy hoàng rực rỡ toả xuống trên địa cầu.” Anh sáng Chúa Kitô mang lại hoà bình. Trong Thánh Lễ Nửa Đêm, phụng vụ Thánh Thể bắt đầu với lời hát: “Hôm nay hoà bình từ trời cao đã xuống trên chúng ta” (Ca nhập lễ). Thật vậy, chỉ có ánh sáng “vĩ đại” toả rạng từ nơi Chúa Kitô mới có thể đem lại hoà bình “đích thực” cho con người: vì thế mọi thế hệ được mời gọi để đón nhận ánh sáng ấy, để đón nhận Thiên Chúa, Đấng nơi Bêlem đã trở nên một người trong chúng ta.

 

Đó là Lễ Giáng Sinh- biến cố lịch sử và mầu nhiệm tình yêu, mà trong hơn hai ngàn năm qua đã ngỏ lời với mọi người nam nữ mọi thời đại, mọi nơi chốn. Đó là ngày thánh, ngày “ánh sáng vĩ đại” của Chúa Kitô chiếu soi đem lại hoà bình! Để nhìn thấy ánh sáng ấy và đón nhận ánh sáng ấy, chắc chắn chúng ta cần phải có đức tin và sự khiêm nhường. Sự khiêm nhường của Mẹ Maria, đấng đã tin vào lời Chúa, và khi cúi mình trên máng cỏ, đã là người đầu tiên thờ lạy hoa trái của lòng mình; sự khiêm nhường của Thánh Giuse, người công chính, đã can đảm tin và muốn vâng phục Thiên Chúa hơn là bảo vệ danh tiếng của mình; sự khiêm nhường của các mục đồng, những mục đồng nghèo hèn và vô danh, những người đã đón nhận lời loan báo của các thiên sứ và hối hả chạy tới chuồng bò, nơi họ tìm thấy hài nhi mới sinh và thờ lạy Người, lòng đầy kinh ngạc, họ ca ngợi Thiên Chúa (Lc 2, 15- 20). Những con người bé nhỏ, tinh thần nghèo khó: họ là những nhân vật chính của Lễ Giáng Sinh, trong quá khứ cũng như trong hiện tại; họ vẫn luôn là những nhân vật chủ yếu của lịch sử Thiên Chúa, những người thợ xây không mệt mỏi cho Vương Quốc công bình, yêu thương và hoà bình của Người.

 

Trong sự thinh lặng của đêm Bêlem ấy, Chúa Giêsu đã hạ sinh và đã được nâng  niu đón nhận. Nhưng giờ đây trong Ngày Giáng Sinh này, tin mừng hân hoan về sự giáng sinh cứu chuộc của Người lại tiếp tục vang lên thì ai là người sẵn sàng mở cửa tâm hồn cho hài nhi thánh? Hỡi những người nam nữ trong thời đại hôm nay, Chúa Kitô đang đến với chúng ta mang theo ánh sáng của Người, Người cũng đang đến để đem hoà bình cho chúng ta đó! Nhưng trong đêm tối của hoài nghi và bất tín này, ai đang canh thức với một tâm hồn tỉnh thức cầu nguyện? Ai đang đón chờ vầng đông của một ngày mới trong khi vẫn giữ cho ngọn lửa đức tin luôn cháy sáng? Ai đã dành thời giờ để lắng nghe lời Người để được tình yêu của Người bao bọc, lôi cuốn? Vâng! Sứ điệp hoà bình của Người dành cho mọi người; Người đến dâng trao chính mình cho mọi người như niềm hi vọng vững chắc của ơn cứu chuộc.

 

Sau cùng, xin cho ánh sáng Chúa Kitô đến soi sáng mọi người, chiếu rọi và đem lại niềm an ủi cho những người đang sống trong miền u tối của nghèo đói, bất công và chiến tranh; cho những người vẫn còn bị khước từ những khát vọng chính đáng cho một cuộc sống an toàn hơn, cho sức khoẻ, giáo dục, và công ăn việc làm ổn định hơn, cho việc tham gia đầy đủ hơn vào những công việc dân sự và chính trị, thoát khỏi áp bức và được bảo vệ khỏi những điều kiện ngược lại với phẩm giá con người. Những con người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, đó là những phụ nữ, trẻ em, người già, những người thường là nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang tàn bạo, của khủng bố và bạo lực dưới nhiều hình thức, đang gây ra biết bao đau khổ hãi hùng cho toàn thể các dân tộc. Rồi những căng thẳng về sắc tộc, tôn giáo và chính trị, sự mất ổn định, tương tranh, bất hoà, cùng mọi hình thức bất công và phân biệt đối xử đang phá hoại cơ cấu bên trong của nhiều quốc gia và gây khó khăn cho những quan hệ quốc tế. Trên khắp thế giới, những người di cư, tị nạn và sơ tán đang gia tăng vì những thiên tai thường xuyên gây ra bởi những biến đổi đột ngột về môi trường đang ở mức báo động.

 

Trong ngày hoà bình này, tâm tư tôi đặc biệt hướng về những nơi mà âm thanh khốc liệt của vũ khí tiếp tục vang lên; về những miền khổ ải của Darfur, Somalia, bắc Cộng Hoà Dân Chủ Congo, biên giới giữa Eritrea và Ethiopi; về toàn vùng Trung Đông- đặc biệt Iraq, Liban và Đất Thánh; về Afganistan, Pakistan và Srilanca; về vùng Balkan và những tình trạng khủng hoảng khác mà chẳng may thường bị quên lãng. Xin Chúa Giêsu Hài Đồng đem lại an ủi cho những ai đang đau khổ và xin Người ban cho các nhà lãnh đạo chính trị sự khôn ngoan và can đảm để tìm ra những giải pháp nhân đạo, công bình và lâu dài. Trước niềm khao khát ý nghĩa và các giá trị là nét đặt thù trong thế giới ngày nay, trước cuộc tìm kiếm nền hưng thịnh và hoà bình là điểm nổi bật của toàn thể nhân loại, trước niềm hi vọng của dân nghèo, Chúa Kitô- vị Thiên Chúa thật và Người thật- đáp lại trọn vẹn trong ngày Người Giáng Sinh. Cả những cá nhân cũng như các quốc gia đừng ngại nhận và chào đón Ngừơi: Người là “ánh sáng huy hoàng” đang chiếu sáng chân trời nhân loại; trong Người “ngày thánh” đang bừng lên đẩy lui chiều tối. Xin cho Lễ Giáng Sinh thật sự là một ngày vui tươi, hi vọng và an bình cho tất cả mọi người! “Muôn dân hỡi, đến mà thờ lạy Chúa .” Cùng với mẹ Maria, Thánh Giuse và các mục đồng, cùng với các Đạo Sĩ và rất nhiều người khiêm cung kính thờ Hài Nhi mới sinh, đó là những người mà trải qua bao thế kỉ đã đón nhận mầu nhiệm Giáng Sinh, thì thưa anh chị em trên khắp các lục địa, chúng ta cũng hãy để cho ánh sáng của ngày này lan toả đến khắp mọi nơi: xin cho ánh sáng ấy đi vào tâm hồn chúng ta, xin cho ánh sáng ấy đem lại sự an lành và niềm hi vọng cho các thành thị của chúng ta, và xin cho ánh sáng ấy đem lại hoà bình cho thế giới. Đó là lời cầu chúc tha thiết nhất của tôi gửi đến anh chị em đang lắng nghe. Một lời chúc kết hợp với lời cầu nguyện khiêm tốn, cậy trông dâng lên Chúa Giêsu Hài Đồng, xin ánh sáng của Người xua tan mọi bóng tối trong cuộc đời anh chị em và đổ tràn đầy tình yêu và sự an bình cho anh chị em. Xin Thiên Chúa là Đấng đã tỏ hiện dung mạo nhân lành của Người trong Chúa Kitô ban tràn đầy niềm vui của Người cho anh chị em, và giúp anh chị em trở thành những sứ giả thực hiện những điều trọn hảo. Xin chúc mừng Giáng Sinh!

 

Đức Thánh Cha BÊNÊĐICTÔ XVI

 

 

 Lm. Giuse Ngô Quang Trung dịch

 

Mục lục

 

Các Học Giả Hồi Giáo Chúc Mừng Giáng Sinh và Nhận Lời Mời Đối Thoại


Một nhóm Hồi Giáo quốc tế đã nhận lời mời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tham dự một cuộc đối thoại lớn tại Vatican.


Nhóm này cũng đã gửi điện văn chúc mừng Giáng Sinh đến “Các Kitô hữu láng giềng của họ trên khắp thế giới.”


Một lá thư do Hoàng Tử Jordan Ghazi bin Muhammad bin Talal, nhân vật tiên phong của dự án của nhóm học giả Hồi Giáo, cho hay nhóm này đang chuẩn bị gửi đại diện đến Vatican vào tháng Hai hay tháng Ba để thảo luận về chi tiết của cuộc đối thoại.


Là thư được viết ngày 12 tháng Chạp được gửi cho Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh, cám ơn Đức Giáo Hoàng đã mời các chuyên gia Hồi giáo gặp gỡ ngài và cám ơn sự khuyến khích của Đức Giáo Hoàng về việc khởi xướng dự án đối thoại.

Lá thư cũng đề cập đến một vấn đề tế nhị khi nói đến “một vài tuyên bố mới đây phát xuất từ Vatican và các cố vấn của Vatican” liên quan đến nguyên tắc của việc đối thoại thần học với người Hồi Giáo.


Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, tân chủ tịch của Ủy Ban Đối Thoại Liên Tôn của Tòa Thánh đã nói trong tháng 10 vừa qua là ngài không chắc việc đối thoại thần học với người Hồi giáo có thể thực hiện. Quan điểm này cũng đã được một số chuyên gia Công Giáo khác đưa ra.


Lá thư của hoàng tử viết rằng mặc dầu các học giả Hồi giáo nghĩ rằng một sự đồng ý hoàn toàn về thần học giữa Kitô hữu và tín đồ Hồi Giáo theo định nghĩa không thể thực hiện được, nhưng họ thực tâm muốn tìm kiếm một địa bàn chung dựa trên những lãnh vực có thể đồng ý – dù chúng ta muốn gọi cuộc đối thoại này là “thần học” hay “thần linh” hay một tên gì khác.


Sự đáp ứng của Hồi giáo là phản ứng cuối cùng trong một số các hành động hợp tác được khởi sự vào tháng 10 khi 138 học giả Hồi giáo gửi cho Đức Giáo Hoàng và các nhà lãnh đạo Công Giáo khác một lá thư. Lá thư này kêu gọi một nỗ lực mới cho việc đối thoại Kitô giáo - Hồi giáo dựa trên niềm tin chung về sự hiện diện của một Thượng Đế, trong tình yêu của Thượng Đế dành cho nhân loại và trong trách nhiệm của mọi người là phải thương yêu nhau.

 

Mục lục

 

Tổng thống Iran gởi điện chúc mừng Giáng Sinh đến Đức Thánh Cha


Teheran - Tổng thống Iran ông Mahmoud Ahmadinejad đã gởi một điện văn chúc mừng Giáng Sinh đến Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI. Trong điện văn, ông Mahmoud Ahmadinejad bày tỏ hy vọng rằng lễ Giáng Sinh sẽ “mang lại hòa bình và an vui trên cơ sở công lý và thiêng liêng cho cộng đồng quốc tế”.

Nhà lãnh đạo của quốc gia Hồi Giáo này, người vừa hoàn tất chuyến hành hương Mecca, bày tỏ ao ước về “hòa bình, tình hữu nghị và tôn trọng nhân quyền”. Ông bày tỏ hy vọng năm 2008 sẽ mang đến “việc loại trừ những áp bức, bạo lực, và phân biệt đối xử”.


Chính quyền Iran trong thời gian qua đã tìm cách đào sâu thêm quan hệ thân mật với Tòa Thánh. Các quan sát viên cho rằng khi làm thế họ hy vọng Tòa Thánh sẽ dùng các tác động ngoại giao của mình để tránh cho Iran không bị Hoa Kỳ đánh phủ đầu.


Quan hệ giữa Tòa Thánh và Teheran trong thời gian qua được ghi nhận là có nhiều cải thiện quan trọng. Thật vậy, trong biến cố Regensburg, Hội Đồng Cố Vấn Quốc Gia (Majles-e-Khobregan) của Iran, cơ chế gồm 86 mujtahid (luật gia – thường là những học giả có kiến thức sâu về luật Hồi Giáo), cơ quan có cả quyền lập pháp và hành pháp, có cả quyền bất tín nhiệm tổng thống, đã thông qua một nghị quyết lên án Đức Thánh Cha hôm 14/9/2006 (tức là lúc có rất nhiều khả năng các ông này chưa hề đọc diễn từ của Đức Thánh Cha vì lúc ấy chưa có bản dịch sang tiếng Ả rập hay tiếng Fārsī – ngôn ngữ chính thức của Iran) với những lời lẽ hết sức khó nghe.


Hôm Chúa Nhật 17/9/2006, bộ Ngoại Giao Iran đã triệu tập đức khâm sứ Tòa Thánh là Đức Cha Angelo Mottola (mà đài truyền hình quốc gia Iran - IRNA - gọi nhầm là “Hồng Y Angelo Michele”) để bày tỏ “quan ngại sâu xa và sự phản đối trước những phát biểu bài Hồi Giáo của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI”.


Trong nhiều ngày trước đó, mullah (đại đạo trưởng) Ahmad Khatami đã liên tục đưa ra các thông báo chống lại Đức Giáo Hoàng, “người chẳng bao giờ đọc kinh Koran”, “người ủng hộ chính sách của Bush”, … và vân vân. Nghiêm trọng nhất Ahmad Khatami còn hô hào “truy sát” Đức Thánh Cha.


Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận rằng không phải ai cũng nổi điên như Ahmad Khatami. Cựu tổng thống Iran, ông Mohammed Khatami tuyên bố là đừng có mà phán đoán vội khi chưa đọc hết diễn từ của Đức Thánh Cha. Tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad cũng thận trọng kêu gọi một sự “phân tích thần học Hồi Giáo” trên diễn từ của Đức Giáo Hoàng.


Trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Thổ Nhĩ Kỳ từ 28/11 đến 1/2/2006, Iran cũng giữ một thái độ rất tiêu cực hoàn toàn trái ngược với giọng điệu ôn hòa hơn, thậm chí rất thân thiện của người Hồi Giáo tại các nước khác trong vùng, nhất là sau khi Đức Thánh Cha viếng đền thờ Xanh.


Ấn tượng tổng quát do các báo này đưa ra là Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI là một nhân vật “Islamophobic” (thù ghét Hồi Giáo vì thành kiến), hay tệ hơn nữa. Ngay cả giờ đây, khi Đức Giáo Hoàng không xưng mình theo tước hiệu truyền thống là “Thượng phụ Tây Phương” nữa, báo chí Iran luôn cố gắng mô tả ngài như một bản sao (hay một đồng minh) của tổng thống Bush và thủ tướng Tony Blair như thể mỗi một bước đi chính trị của Hoa Kỳ và Anh Quốc đều mang mầu sắc “Kitô Giáo” hay Giáo Hội Công Giáo chỉ hiện diện tại Tây Phương.


Tờ Iran News, cho rằng “Những quan hệ giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo đang ở mức tệ hại nhất từ thời Thập Tự Chinh” và chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha được xem là “gây tranh cãi và đáng kinh ngạc”, và bị xã hội Thổ Nhĩ Kỳ nguyền rủa.


Nơi trang nhất tờ báo bảo thủ Tehran Times đặt câu hỏi “Đối thoại với Hồi Giáo hay là liên minh Kitô Giáo chống người Hồi Giáo?”.


Cả hai tờ báo đều nhấn mạnh đến sự kiện là chuyến viếng thăm Đức Giáo Hoàng đã được thiết kế để củng cố sự hiệp nhất Kitô Giáo và để đòi hỏi thêm bầu khí rộng hơn cho Kitô hữu qua chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.


Quan hệ giữa Tòa Thánh và Teheran còn xuống tệ hơn nữa khi Tòa Thánh ra thông cáo lên án hội nghị về Holocaust tại Teheran hồi trung tuần tháng 12.


Hôm 12/12/2006, Tòa Thánh đã đưa ra thông cáo báo chí mạnh mẽ lên án hội nghị về Holocaust (vụ tàn sát người Do Thái trong thế chiến thứ hai) đang diễn ra tại Teheran dưới sự bảo trợ của tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Mục đích của hội nghị này là nhằm phủ nhận vụ Holocaust, coi đó là chuyện giả tưởng chưa bao giờ xảy ra, hoặc nếu có xảy ra thì xảy ra theo một cách khác hơn là người ta tưởng từ trước đến nay.

Hôm 24/12/2006, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết cấm vận Iran trong cuộc khủng hoảng năng lượng nguyên tử. Thông thường, trước các đe dọa của Liên Hiệp Quốc, Iran đối phó lại bằng vũ khí dầu hỏa nhưng nay Iran đang trong thế cô lập và chính kỹ nghệ dầu hỏa của Iran cũng đang đứng trước nguy cơ sụp đổ vì thiếu đầu tư nước ngoài trước những lo sợ Hoa Kỳ có thể tấn công vào Iran không biết lúc nào. Lo sợ này đã kéo dài từ nhiều năm qua và đang có tác dụng trên kỹ nghệ dầu hỏa nước này.


Trước đó, quân đội Mỹ tại Iraq đã bắt giữ ít nhất là hai quan chức Iran tại Baghdad và cáo buộc những người này xúi giục hay trực tiếp dự phần vào những cuộc tấn công nhắm vào quân đội Mỹ tại đây.


Sau buổi tiếp kiến chung thường lệ thứ Tư hàng tuần với anh chị em giáo dân, hôm 27/12/2006, Đức Thánh Cha đã tiếp ngoại trưởng Iran ông Manouchehr Mottaki. Những buổi tiếp vào cuối buổi sáng, đặc biệt sau khi Đức Thánh Cha gặp gỡ anh chị em tín hữu hành hương, thông thường đều là những buổi tiếp kiến bất thường, không có trong nghị trình làm việc của Đức Thánh Cha.


Trong buổi tiếp kiến này, ông Manouchehr Mottaki đã trình một lá thư của tổng thống Mahmoud Ahmadinejad lên Đức Thánh Cha. Phòng báo chí Tòa Thánh xác nhận diễn biến này nhưng không cho biết thêm chi tiết về nội dung bức thư.


Từ ngày đó trở đi thái độ của Iran đối với Đức Thánh Cha nói riêng và Tòa Thánh nói chung đã có những thay đổi theo hướng thân thiện hơn.

 

Mục lục

 

CỰU THỦ TƯỚNG ANH – ÔNG TONY BLAIR – THEO ĐẠO CÔNG GIÁO

LONDON  – Cựu Thủ Tướng Anh, ông Tony Blair đã cải giáo từ Giáo Hội chính thức của Vương Quốc Anh, Giáo Hội Anh Giáo, sang Giáo Hội Công Giáo Rôma – theo như lời phát biểu của vị đứng đầu Giáo Hội Công Giáo tại Anh Quốc vào ngày thứ bảy. ngày 22 tháng 12 năm 2007

Ông Blair, người có vợ và 4 con đều là người Công Giáo, đã được Đức Hồng Y Cormac Murphy-O'Connor tiếp nhận vào hàng ngũ Giáo Hội Công Giáo trong ngày Thứ Sáu theo một động thái mà ở khắp nơi, mọi người đều đã trông đợi sau khi ông rời bỏ quyền lực vào hồi Tháng Sáu. Đức Hồng Y Murphy-O'Connor trong một tuyên bố đã phát biểu thêm trong nghi thức cải đạo đã diễn ra kín đáo trong một nguyện đường của Tòa Hồng Y tại trung tâm thủ đô Luân Đôn : “Tôi rất hân hoan chào đón ông Tony Blair gia nhập Giáo Hội Công Giáo,”

 “Từ lâu ông đã đều đặn tham dự Thánh Lễ cùng với gia đình mình, và trong những tháng gần đây, ông đã theo một chương trình huấn luyện để chuẩn bị cho mình được thu nhận hoàn toàn vào cộng đồng.

“Xin dành lời cầu nguyện cho ông, cho vợ con và gia đình ông trong giây phút đầy vui mừng này và trong cuộc đồng hành đức tin của gia đình ông.”

Ông Blair hiện nay đang giữ trọng trách Công Sứ Hòa Bình tại Trung Đông, đã có cuộc nói chuyện riêng với Đức Giáo Hoàng Biển Đức tại Tòa Thánh Vatican vào tháng Sáu và cuộc hội đàm của ông đã được dự báo trước.

Ông đã được Bí Thư của Đức Hồng Y Murphy-O'Connor, Cha Mark O'Toole chuẩn bị về mặt tinh thần cho việc cải giáo. Phát ngôn viên của Blair đã từ chối bình luận về một thông báo cho rằng việc cải giáo của ông chỉ là một vấn đề có tính cách riêng tư. Tháng vừa qua, ông Blair, người đã giữ kín niềm tin của mình trong suốt 10 năm nắm giữ quyền lực, phát biểu rằng đối với ông tín ngưỡng là một “điều hết sức quan trọng.”

 

Mục lục

 

VÀI NÉT VỀ KHU TÒA KHÂM SỨ

 

Việt Nam đã có liên lạc với Vatican từ đời nhà Lê và Trịnh Tráng (1576 – 1652). Vua Lê Thế Tông (1572 – 1599) đã gởi một bức thư cho Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII. Đó là bức quốc thư đầu tiên của Triều Đình Nhà Lê gởi cho Toà Thánh Vatican. Nhưng mãi đến năm 1925 Đức Giáo Hoàng Piô Piô XI mới thành lập Tòa Khâm Sứ tại Đông Dương.

Năm 1922, ĐGH PIO XI cử Đức Giám Mục Lécroart, Dòng Tên, Giám Mục Giáo Phận Thiên Tân (Tientsin), Trung Hoa, làm Khâm Sai Tòa Thánh đi quan sát tình hình các giáo phận ở Đông Dương, đặc biệt về cách tổ chức các chủng viện và chương trình học vấn. Năm 1925, ĐGH Piô XI lập Toà Khâm Sứ Đông Dương và Thái Lan, và ngày 25.5.1925 Tòa Thánh cử ĐGM Constantino Ayuti (1876-1928) làm Khâm Sứ tại Đông Dương, chính yếu là tại Việt Nam. Lúc đầu, ngài tạm đặt Văn Phòng tại Hà Nội. Nhưng Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài, một người Công Giáo, đã đề nghị ngài xây cất một Tòa Khâm Sứ tại Huế, vì nơi đây mới là kinh đô của Việt Nam. Ngài chấp thuận. Vì thế, trụ sở của Tòa Khâm Sứ Vatican ở Đông Dương đã được xây cất gần Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam, Huế.

Năm 1950, ĐGH Piô XII đã bổ nhiệm ĐGM John Dooley, người Ireland, làm Khâm Sứ tại Đông Dương. Ngài quyết định dời trụ sở Toà Khâm Sứ ra Hà Nội và đặt cạnh Toà Giám Mục Hà Nội, vì lúc đó Huế không còn là thủ đô của Việt Nam nữa.

Năm 1954, khi Việt Nam bị chia đôi, Đức Khâm Sứ John Dooley vẫn ở lại Miền Bắc. Năm 1959, chính phủ Hồ Chí Minh bắt đầu áp dụng các biện pháp nghiêm nhặt đối với Công Giáo, ra lệnh cho các giáo sĩ ngoại quốc phải rời khỏi miền Bắc. Vào tháng 3 năm 1959, mặc dầu Đức Khâm Sứ John Dooley đang trải qua nhiều cơn bệnh nặng, ngài vẫn được nhà cầm quyền Hà Nội chuyển đến Nam Vang, Kampuchia. Linh mục O'Driscoll, một giáo sĩ Ai-Len, đã tạm thời đảm nhiệm chức vụ Quyền Khâm Sứ. Tuy nhiên, sau khi Đức Khâm Sứ John Dooley rời Việt Nam 2 tuần, Linh mục O'Driscoll cũng bị bắt buộc rời khỏi Hà Nội, Tòa Khâm Sứ Vatican tại Hà Nội bị tịch thu. Một bức tường ngăn cách giữa Tòa Giám Mục Hà Nội và Toà Khâm Sứ đã được chính quyền dựng lên.

Tính đến năm 1960, ở Miền Bắc có 300 linh mục chăm sóc 750.000 tín đồ. Trung bình tại thành phố Vinh mỗi giáo sĩ phụ trách 1.200 tín đồ, ở Hải Phòng 7.000, ở Bùi Chu 6.000, ở Thái Bình 10.000, v.v.

Hình chụp các linh mục, tu sĩ và giáo dân Hà nội trước Tòa Khâm Sứ năm 1957

Nếu ai vào hành lang tầng một của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, sẽ thấy một hình đen trắng trong đó Đức Giám Mục Trịnh Như Khuê chụp cùng với các cha và giáo dân Hà Nội tại Tòa Khâm Sứ vào ngày 27.3.1957, ngay trước cây đa cổ thụ mà bây giờ chúng ta vẫn nhìn thấy. Đó là bức hình được chụp trước khi Tòa Khâm Sứ bị chính quyền tịch thu hơn nửa thế kỷ qua.


Nhà Nước đã chiếm đoạt tất cả các cơ sở của Giáo Phận Hà Nội tại Phố Nhà Chung, Phố Tràng Thi, và Phố Nhà Thờ. Họ đặt Tòa Giám Mục ở giữa, chỉ có một lối ra vào để dễ kiểm soát. Trong những thập niên 50, 60, 70 và 80, họ canh gác gắt gao tại cửa Tòa Giám Mục, ngăn cản giáo dân đi vào và tiếp tế cho các giáo sĩ đang cư ngụ trong đó. Trong những năm 60 và 70, họ quản chế Đức TGM Trịnh Như Khuê, ngài không được phép đi ra khỏi Tòa Tổng Giám Mục nếu không có phép. Ngài thường đi dạo trên sân thượng Tòa Tổng Giám Mục qua nhiều tháng năm đến nỗi thành một đưòng mòn quả trám trên sân gạch.


Những năm 1980 Nhà Nưóc đã xây Cung Văn Hóa trên đất Tòa Khâm Sứ, chủ yếu dùng làm sàn nhảy. Đêm nào họ cũng mở nhạc ầm ầm đến 2 giờ sáng, với chủ đích phá hoại bầu khí tĩnh mịch của nơi tu hành. ĐHY Trịnh Văn Căn đã nhiều lần than phiền với chính quyền rằng ngài không thể ngủ được, nhưng chính quyền vẫn làm ngơ.


Năm 2000, ĐHY Phạm Đình Tụng đã gởi đến các cấp chính quyền một đơn đòi trả lại khu đất Tòa Khâm Sứ, trong đơn có chữ ký của ngài và tất cả các linh mục trong Giáo Phận


1) Giấy Điền Thổ xác nhận bất động sản dùng làm Tòa Khâm Sứ thuộc chủ quyền của Giao Phận Hà Nội.


2) Trưóc khi ra đi, Đức Khâm Sứ Doley có viết thư của cám ơn ĐGM Trịnh Như Khuê đã cho ngài mượn đất làm Tòa Khâm Sứ.


Vào ngày 3.12.2007 vừa qua, Đức TGM Ngô Quang Kiệt lại gởi một văn thư yêu cầu các cấp chính quyền giải quyết vụ này. Chính quyền chẵng những không đáp ứng và còn làm tới. Tối 12.12.2007 họ đã cho chuyển tới các phương tiện để sửa đổi ngôi nhà Tòa Khâm Sứ và ngày 13.12.2007 họ bắt đầu dỡ mái Tòa Khâm Sứ. Khoảng sân rộng phía trước Toà Khâm Sứ, họ đã cho siêu thị điện máy Nguyễn Kim nằm ở phố Tràng Thi gần đó thuê làm bãi giữ xe.


Trong những năm gần đây, ngoài Giáo xứ Cửa Bắc và Thượng Thuỵ có đòi được một chút nhà đất, còn các chỗ khác như Toà Tổng Giám Mục, Nhà Thờ Đa Minh, Nhà Thờ Sainte Marie, Giáo xứ Hàm Long, Giáo xứ Thái Hà thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, Giáo xứ Hàng Bột... vẫn chưa đòi được tý nào. Có chỗ còn tiếp tục bị mất thêm vì các cán bộ công quyền lạm dụng chức vụ chiếm dụng và hợp thức hoá trái phép.


 (Tổng hợp các nguồn tin)

Mục lục

 

Lễ hội Giáng Sinh của người có hoàn cảnh đặc biệt: Nơi sẻ chia tình người

 

Hơn 3.000 người có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm trẻ mồ côi, người khuyết tật, bệnh nhân Phong, người nhiễm HIV/AIDS…đến từ 72 đơn vị đã có một ngày Lễ hội Giáng Sinh thật ấm áp tại Trung tâm Mục Vụ giáo phận TP.HCM (số 6bis Tôn Đức Thắng, quận 1).

Đây không phải là lần đầu tiên những người có hoàn cảnh đặc biệt ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận có một ngày Lễ hội ấm áp như thế vào dịp Noel. Lễ hội Giáng Sinh của người có hoàn cảnh đặc biệt đã được nhóm Đức Tin & Văn hoá khởi xướng từ Giáng Sinh 2001. Linh mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp – linh hướng của nhóm Đức Tin & Văn hoá cho biết:” Nhóm ĐT&VH được thành lập từ giữa năm 2001, quy tụ những người có tâm huyết với việc phục vụ tha nhân, đặc biệt phục vụ những người kém may mắn trong xã hội. Chính bởi thế, ngay từ năm mới thành lập, các thành viên trong nhóm đã thao thức muốn mang lại chút niềm vui ấm áp cho những người kém may mắn vào dịp lễ Giáng Sinh. Thế là năm ấy, nhóm quyết định mở một dạ hội với tên gọi:”Dạ hội Giáng Sinh cho người kém may mắn”. Từ đấy, dạ hội được tổ chức định kỳ mỗi năm và ngày một phát triển. Số lượng người tham dự ngày một gia tăng, các hoạt động phục vụ người kém may mắn cũng phong phú hơn. Ngoài chương trình văn nghệ, còn có thêm trò chơi dân gian có thưởng cho các em thiếu nhi, các gian hàng ẩm thực và giới thiệu sản phẩm của các đơn vị đến từ các mái ấm, nhà mở, các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật. Năm 2004, “Dạ hội Giáng Sinh của người kém may mắn” được đổi thành “Lễ hội Giáng Sinh của người có hoàn cảnh đặc biệt”…”

Lễ hội Giáng Sinh của người có hoàn cảnh đặc biệt năm nay diễn ra từ 14 giờ chiều ngày 22/12 và bế mạc vào 21 giờ cùng ngày. Theo đánh giá của nhiều người đã từng tham dự Lễ hội những năm trước thì Lễ hội năm nay có vẻ quy mô và hoành tráng hơn. Nữ tu Mai Phương – đại diện Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An đến từ Tỉnh Bình Dương phát biểu:” Năm nay, tôi thấy các đơn vị rất hồ hởi khi nhận gian hàng, các gian hàng được trình bày đẹp và trang nhã, Ban tổ chức đã chuẩn bị rất chu đáo…”. Trong gian hàng của Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An trưng bày các tranh ghép gỗ nhỏ và vừa, các tranh thêu tay do chính các em khuyết tật của Trung tâm thực hiện. Soeur Phương chỉ cho chúng tôi xem các tranh ghép gỗ nhỏ và vừa rồi bảo:” Loại sản phẩm này bán được nhiều nhất ở đây vì giá cả vừa phải, phù hợp với túi tiền của nhiều người, các trẻ em mua tặng nhau và người lớn mua làm quà cho trẻ…”. Theo Ban tổ chức thì tất cả các đơn vị tham gia gian hàng đều không phải tốn một khoản phí nào về mặt bằng, mỗi đơn vị đến đây còn được hỗ trợ tiền xe tuỳ theo nhu cầu. Ngoài ra, những người có hoàn cảnh đặc biệt tham dự lễ hội đều được tặng quà. Mỗi phần quà trị giá khoảng 25.000 đồng, trong đó gồm bánh, trái cây, nước uống, tiền mặt và tem phiếu có giá trị như tiền có thể trao đổi, mua bán ngay trong lễ hội. (Sau khi kết thúc lễ hội, các đơn vị sẽ tập trung tem phiếu về cho Ban tổ chức để được đổi ra tiền tuỳ theo mệnh giá ghi trên tem phiếu). Trong lúc rảo qua các gian hàng, chúng tôi ghi nhận được một hình ảnh thật đẹp: một chàng thanh niên bị khuyết tật tay đã dùng số tiền và tem phiếu được phát trong lễ hội mua bình hoa hồng nhỏ tặng cho một cô gái khuyết tật chân. Cô gái cười thẹn thùng:”Anh mới gặp em có lần đầu mà đã tặng hoa thế này, ngại quá…, em hổng dám nhận đâu!...”. Ở một góc sân, chúng tôi lại thấy một số bạn thanh niên khuyết tật thuộc Câu lạc bộ Hướng nghiệp khuyết tật trẻ (Sài Gòn) đang cười nói rôm rả. Dường như không khí vui nhộn của lễ hội đã làm họ quên đi mất những khiếm khuyết của cơ thể. Anh Trần Văn Trung – chủ nhiệm Câu lạc bộ Hướng nghiệp khuyết tật trẻ ngồi trên xe lăn ở một góc hành lang đang đưa máy chụp hình hướng về phía sân khấu để ghi lại những hình ảnh của lễ hội. Anh cho biết Câu lạc bộ của anh cũng tham gia trong chương trình giao lưu văn nghệ và thi hoá trang Ông già Noel.


Trong khi chương trình văn nghệ diễn ra trên sân khấu, chúng tôi bất chợt nhìn qua những hàng ghế gần cuối và được dịp chứng kiến những gương mặt dõi mắt về phía sân khấu một cách say mê. Thoạt nhìn, cứ ngỡ họ là những người khuyết tật tay, chân bình thường nhưng nhìn kỹ thì đó là những bệnh nhân Phong mà bàn tay, bàn chân của họ đã không còn nguyên vẹn. Họ là những người của Trại Phong Bến Sắn (Bình Dương) đến tham dự lễ hội. Ông Điểu Bôm, 68 tuổi – một bệnh nhân Phong người dân tộc thiểu số cho biết, ông và vợ đi theo đoàn của Trại đến đây và cảm thấy rất vui trước không khí tưng bừng của lễ hội. Một nữ tu phụ trách đoàn kể:” Khi được thông báo đi dự Lễ hội Giáng Sinh này, các anh chị em ở Bến Sắn đều rất hồ hởi, từ 2 tuần trước mọi người đã nôn nao chờ đến ngày đi. 13 giờ xe bắt đầu khởi hành nhưng 12 giờ họ đã chuẩn bị xong và rất háo hức. Có lẽ vì chẳng mấy khi họ được dịp đi đâu chơi nên có cơ hội được đi là ai nấy đều sốt sắng…”.


Trong khuôn viên của Trung tâm Mục Vụ TPHCM vào giờ cao điểm ước tính có khoảng trên 5.000 người. Trong đó, con số những người có hoàn cảnh đặc biệt chính thức đăng ký tham dự lễ hội là gần 3.000 người, chưa kể những người phụ trách các đơn vị. Để có một lễ hội “hoành tráng” như thế, các thành viên của nhóm ĐT&VH đã phải chuẩn bị từ hai tháng trước đó, từ việc lên kế hoạch, dàn dựng chương trình, phân chia từng ban phục vụ lễ hội cho đến việc tìm nguồn tài trợ… Tất cả đều được làm từ tấm lòng của những người thiện nguyện. Họ là những người Công giáo đã và đang sống đúng với tinh thần bác ái của Chúa Giêsu.

 

Liên Giang

Mục lục

 

 

Lễ Chúa Giáng Sinh là Ngày Hội của những người khuyết tật


SAIGÒN -- Hôm qua, 25-12 sau thánh lễ dành cho những người khuyết tật tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, gần 150 anh chị em khuyết tật từ công ty 27-7 đang làm việc tại trung tâm Dưỡng Lão Thị Nghè, những anh chị em bán vé số tại nhiều nơi quanh Sài Gòn, đã hội tụ về nhà thờ Thánh Martinô – Thị Nghè để mừng Chúa Giáng Sinh. Sau bữa ăn trưa, họ đã nhận phần quà Giáng Sinh, và hơn 64 người đã nhận trợ cấp hàng tháng dành cho 64 anh chị em, mà nhà thờ Thánh Martinô đã trợ cấp hàng tháng. Anh chị em nhận quà Giáng Sinh gồm có: 1kg đường, áo thun và hộp bánh Tất cả gần 150 anh chị em đều hân hoan vui mừng và tạ ơn Chúa Hài Đồng.


Ngày 29-12 sắp tới, giáo xứ có bữa cơm cho người nghèo, trong đó có 20 gia đình công giáo và 30 gia đình không công giáo. Sau đó phát quà Giáng Sinh gồm 1 hộp bánh, áo thun 1 kg đường và phần gạo hàng tháng, mỗi gia đình 10 kg gạo. Mỗi tháng giáo xứ trợ cấp hơn 1 tấn gạo cho các gia đình từ nhiều tháng qua

 

LM Phêrô Vũ Minh Hùng

 

Mục lục

 

 

ĐÊM GIÁNG SINH ĐẶC BIỆT TẠI HÀ NỘI

 

Lễ Giáng Sinh thực sự là ngày lễ của hoà bình. Và hòa bình là một nhu cầu, một khao khát và đích đến  của nhân loại. Con người sinh ra ai cũng mong muốn được sống trong bình an. Nhưng thực tế cuộc sống xã hội nhiều khi lại không chiều theo mong muốn chung của nhân loại. Đây đó, lúc này hay lúc khác, hoà bình vẫn luôn bị đe dọa và xâm phạm. Thông điệp hoà bình của Đức Giêsu phù hợp mơ ước của mọi người ở mọi nơi, trong mọi thời, vì vậy có một sức sống vô cùng mãnh liệt. Xin Chúa Giêsu ban cho mọi người có trái tim khao khát xây dựng hòa bình. Một nền hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh mà là một trật tự theo ý Chúa, một xã hội an hòa, chan chứa yêu thương.

Những ngày này, khi tiếng chuông Noel rộn rã cất lên trên khắp mọi miền của địa cầu, thì tất cả những ai thiện chí đều hoà chung trong lời nguyện cầu hoà bình cho nhân loại:

 

Vinh danh Thiên Chúa trên Trời

Bình an dưới thế, cho người thiện tâm

 

Giai điệu rộn ràng của những bài thánh ca Giáng Sinh vang lên ở nhà thờ, ở nhà riêng, ở cửa hàng, ở khắp nơi càng làm cho lòng người náo nức mong chờ Đêm Giáng Sinh. Vài năm trở lại đây, Lễ Giáng Sinh đã trở thành một ngày lễ cho người dân cả nước Việt Nam, đạo cũng như đời. Giáng sinh nhanh chóng trở thành lễ hội gần gũi, quen thuộc với người Việt và được mong đợi chẳng kém gì ngày Tết cổ truyền. Đối với người Kitô giáo, thì Giáng Sinh thiên về lễ thánh; đối với người ngoài Kitô giáo, thì Giáng Sinh thiên về lễ hội. Và điểm chung cho mọi người là ai cũng đón nhận và tin tưởng Giáng Sinh mang lại niềm vui, bình an và yêu thương. Tất cả đều cho thấy niềm hạnh phúc khi chào đón Giáng sinh. Khác với người Tây Phương mừng lễ Giáng Sinh tại gia đình, người Việt Nam lại thường nườm nượp đổ ra đường, rồi đến các nhà thờ vui mừng lễ. Vì thế mà ngay từ chập tối ngày 24.12, những đoạn đường dẫn đến các nhà thờ tại Hà Nội như nhà thờ Lớn, nhà thờ Hàm Long, nhà thờ Cửa Bắc, nhà thờ Thái Hà… đều chật kín người. Không chỉ người có đạo đi lễ, mà đa số những người chưa theo đạo cũng đi tham dự hát thánh ca và thánh lễ, cùng vui hưởng bầu khí Giáng Sinh an lành.

 

Giáng sinh cũng là một dịp thôi thúc nhiều tổ chức, nhiều đoàn thể, nhiều nhà hảo tâm mở rộng lòng sưởi ấm trái tim những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những trẻ em chịu thiệt thòi. Giáng Sinh đã làm cho tấm lòng nhân ái của nhiều người giàu lên.

 

Bầu khí Giáng Sinh năm nay tại khu vực Nhà thờ Chính tòa, Tòa giám mục và đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội thật đặc biệt. Hành chục ngàn người lượt người đã tới khu vực này vui hưởng niềm vui Giáng Sinh. Lúc 8g30 tối, hàng ngàn tín hữu đã cùng nhau tiến ra thắp nến cầu nguyện với Đức Mẹ tại Tòa Khâm Sứ. Sau đó, tại sân đại chủng viện, chương trình ca hát và diễn nguyện mừng Chúa Giáng Sinh với chủ đề: “Đức Giêsu người Thày của bé thơ đơn sơ và khiêm hạ” đầy ý nghĩa được tôn lên bởi sắc màu ánh sáng sinh động. Chương trình kéo dài gần 3 tiếng. Cao điểm của đêm vui mừng là thánh lễ Đêm Giáng Sinh. Đúng 12g00, đoàn rước đoàn đồng tế từ nhà nguyện Tòa giám mục tiến ra lễ đài tại sân đại chủng viện cử hành thánh lễ. Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt chủ sự thánh lễ. Đồng tế với ngài có cha xứ và cha phó nhà thờ Chính tòa, quý cha Ban Giám đốc và Ban Giáo sư đại chủng viện Hà Nội. Ước tính có hơn 6,000 người tham dự thánh lễ.

 

Đầu thánh lễ, Đức Tổng nhấn mạnh lễ Giáng Sinh là lễ của hòa bình. Nhưng không thể có hòa bình nếu không có công lí. Vì thế, Đức Tổng kêu gọi mọi tín hữu hiện diện hãy nhiệt tâm cầu nguyện cho công lí được thực hiện, để một nền hòa bình đích thực triển nở khắp nơi. Lời bài Ca Dâng Lễ diễn tả tâm tình khao khát hòa bình thật. Tiếng nhạc đệm của các nhạc cụ dân tộc càng làm cho lời cầu nguyện hòa bình thêm réo rắt, thiết tha.

 

Cuối thánh lễ, Đức Tổng nói lời chúc Giáng Sinh an lành và năm mới hạnh phúc tới cộng đoàn hiện diện có đông đảo người Việt cùng với nhiều người ngoại quốc bằng 3 thứ tiếng: Việt, Anh và Pháp ngữ.

 

Sau thánh lễ, cộng đoàn hàng ngàn người có thánh giá nến cao dẫn đầu một lần nữa tiến ra thắp nến cầu nguyện với Đức Mẹ tại Tòa Khâm Sứ. Với lời “Kinh Hòa Bình” và “Lời Cầu Cho Giáo Phận”, mọi người tha thiết xin Chúa ban cho công lí và hòa bình đích thực triển nở trên mảnh đất Việt Nam thân yêu như lời Thánh Vịnh:

 

          Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,

          hoà bình công lý đã giao duyên. (Tv 85,11)

 

Lễ Giáng Sinh thực sự là ngày lễ của hoà bình. Và hòa bình là một nhu cầu, một khao khát và đích đến của nhân loại. Con người sinh ra ai cũng mong muốn được sống trong bình an. Nhưng thực tế cuộc sống xã hội nhiều khi lại không chiều theo mong muốn chung của nhân loại. Đây đó, lúc này hay lúc khác, hoà bình vẫn luôn bị đe dọa và xâm phạm. Thông điệp hoà bình của Đức Giêsu phù hợp mơ ước của mọi người ở mọi nơi, trong mọi thời, vì vậy có một sức sống vô cùng mãnh liệt. Xin Chúa Giêsu ban cho mọi người có trái tim khao khát xây dựng hòa bình. Một nền hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh mà là một trật tự theo ý Chúa, một xã hội an hòa, chan chứa yêu thương.

 Nguyễn Xuân Trường

Mục lục

 

 

LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ ĐẦU TIÊN XÂY DỰNG NHÀ THỜ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM ĐA TÔNG, ĐAMRÔNG, ngày 07/12/2007, GIÁO HẠT ĐỨC TRỌNG, ĐỊA PHẬN ĐÀ LẠT.

 

 

1.CẢM NGHIỆM VỀ MỘT VÙNG ĐẤT : Nếu ông bà, anh chị có dịp đi qua vùng đất này, xin ông bà, anh chị hãy ghé Liêng Trang II, xã Đạ Tong, huyện Đamrông. Vùng đất ở đây bao gồm nhiều xã như Đamròn, Đatong, Đa Long, Đạ Cháy vv…Người ta vẫn có cảm tưởng vùng đất xa xôi, hẻo lánh, đường đi dốc dác, ngoằn ngòeo rất ít người ghé qua. Nhưng xem ra một vùng đất khô cằn lại chất chứa bao nhiêu tấm lòng, bao nhiêu con người. Đúng vùng đất này đã có từ lâu lắm khi cha ông của những người Dân tộc thiểu số Kơho đã chọn những bản làng gần núi, suối đồi để sinh sống. Tất cả những anh chị em Dân tộc Kơho này đã trở thành con cái Chúa và con cái Hội Thánh từ lâu. Trước ngày Nước Nhà thống nhất, vùng đất này thật xa xôi, thật nguy hiểm, phần thú rừng hoang dã còn hầu như sống chung với dân chúng bản làng, phần đường đi chỉ là đường đất, đường mòn bụi mù mỗi khi gió thổi. Việc đi lại thật trăm bề khó khăn. Phương tiện tối ưu là đi bộ. Muốn vào các bản làng xa xôi, hẻo lánh, các thừa sai tiền bối phải dùng trực thăng và xe zeep lùn, xe Landrover vv…

Rừng núi nguyên sơ vẫn xanh um. Những đồi tranh vẫn xanh rì và nên thơ như trong nhiều phim nước ngòai. Vùng đất Đamrông vẫn là một vùng đất hứa của những nhà truyền giáo vì nơi đâu có con người nơi đó cần được rao giảng. Vùng đất Đatông, Đamrông có chiếc cầu Darhố nước chảy quanh năm…Đi xa hơn, Đalong có suối nước nóng chữa được nhiều bệnh như thấp khớp, đau thần kinh tọa và làm ấm áp con người. Vùng đất còn suối, còn cá, suối Đalong có cá đá nướng ăn tuyệt ngon. Một vùng đất. Những con người…Với hơn 8.000 anh chị em Dân tộc tại các xã Đamròn, Đatông, Đalong đã được rửa tội. Vùng đất này quả là ơn huệ Thiên Chúa trao ban.

2.NHỮNG BUÔN LÀNG VÀ NHỮNG CON NGƯỜI : cho “ Cây Rừng Còn Xanh Lá “ vẫn là cái gì gợi hứng cho nhiều người về những vùng đất xa xôi, hoang sơ có cái đẹp như những cảnh trong phim nước ngoài. Những địa danh như Đalong, với 343 người Dân tộc đã trở thành con Chúa, Ntôl với 1.046 người, Liêng Trang 1 với 845 người, Liêng Trang 2 với 611 người, Danhing 1 với 931 người, Danhing 2 với 531 người, Cilmúp với 400 người, Dalà với 488 người, Đasế với 608 người, Liêngkrăk 1 với 490 người, Liêngkrăk 2 với 373 người, Tula với 841 người và Liêngsrồn với 492 người, Krôngkơnô với 679 người, Đarsăl với 1.321 người, Rômen với 1.007 người, Philiêng với 684 người, Đạ Kơ Nàng với 684 người. Với số hơn 10.000 người Dân tộc Kơho đã được rửa tội làm con cái Chúa, con cái của Hội Thánh. Việc cho Cây Rừng Còn Xanh Lá vẫn là điều thúc bách các nhà truyền giáo. Một vùng đất còn nhiều người Dân tộc bản địa chưa được rửa tội. Vấn đề làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô giữa những người lương dân xem ra rất quan trọng và tối ư cần thiết. “ Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi “ như lời thánh Phaolô nói và “ Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng luôn là lời mời gọi khẩn thiết các nhà thừa sai nhiệt thành thánh thiện dấn thân phục vụ Lời và làm cho Chúa Giêsu hiện diện.

   Một vùng đất :” Cây Rừng Vẫn Còn Xanh Lá “ là vùng đất đẹp xét về nhiều chiều kích. Một vùng đất mà xưa kia những người bản địa vẫn tự coi là “ Đất Tổ Tiên. Đất chảy sữa và mật ong. Đất giầu ngô, giầu khoai, giầu sắn. Đất đầy rau bép, nhiều măng “ : “ Ù tiăh pàng yău. Ù gơhòr đà toh ma đà sùt đà lơwe. Ù pas ma mbo, dơngơi, pas ma bùm lo, bùm blàng. Ù tiăh pas ma biăp Nse, pas ma băng chi, gle.”

  Tôi vẫn nhớ vùng đất này với những câu hò, điệu ca cổ xưa :” Ơ Yàng krong, yàng bơnơm, yàng kơ , yàng đà, yàng bơnồng…Yàng chi yàng gle. Yàng lu, yang ù yàng tiăh, yàng rơmơs…Yàng Sơrơđèn…Yàng hi dê.” (Lạy thần núi, thần đồi, thần khe, thần suối…thần le, thần cây. Thần đá, thần đất, thần thuồng luồng…Lạy Thần Sơrơđèn, là thần chúng tôi ).

Người bản địa cổ xưa vẫn cho rằng vùng Riôngtô là vùng thần các thần ngự giá và vùng Đamrông vẫn chỉ là một thành phần của nhiều bản làng hướng về thần các thần là Sơđèn, Sơrơđèn…Do đó, người bản địa tại Fyan vẫn tự coi mình là những người luôn được thần linh phù hộ. Fyan tự nguyên là hiến thân cho các thần…

   “ Cây Rừng Còn Xanh Lá “ vẫn cho những người bản địa Kơho ở vùng đồi núi Fyan và Đamrông hiểu rằng:” Cha ông tổ tiên của họ thuộc về rừng núi “ ( Pàng yău bol kòn cău Kơho ơm tăm kơnhoăl Fyan lôc gen Đamrông dê tămblăc kơ ngăn ma krong, ma bơnơm “.)

      Dân bản địa rất tôn trọng các thần, tuy nhiên người Kơho không thờ đa thần, họ chỉ tôn trọng và kính tất cả vì họ nghĩ rằng mọi vật đều linh thiêng. Tuy nhiên, chỉ có một điều quan trọng là họ luôn cúng Yàng.Câu tôi rất tâm đắc đó là thần cho con người có cổ họng nghĩa là tiếng nói là để cầu khẩn, để nói lời khôn ngoan( Kàng dơs prum )…Người Dân tộc Kơho khi biết Chúa, họ tin vào Chúa và không tin vào các thầy cúng, thầy phù thủy( cău gruh ) nữa !

    Với những con người ngày xưa ngơ ngác nai tơ vì ít được tiếp xúc với văn minh, ngày nay cũng vẫn những người đó: con cháu và dòng dõi họ nhiều người đã trở thành con của Chúa, trở thành con của Giáo Hội. Và rồi còn nhiều người vẫn còn đang cần được nghe rao giảng để Tin Mừng của Chúa ăn sâu vào họ và nảy sinh hoa trái tốt tươi nơi họ.

RỒI CÓ MỘT NGÀY : Bà cụ già trong phim “Sám Hối” của Liên Xô đã hỏi các người làm đường:”-Con đường này có dẫn tới Nhà Thờ không ? “. Nếu con đường không dẫn tới Nhà Thờ nghĩa là không dẫn tới Nước Chúa, không dẫn tới Nước Thiên Đàng nào có ích gì ? Bà cụ quả chí lý. Một vùng đất, những con người: với bao mơ ước, với bao nỗ lực và phấn đấu. Những người con Chúa từ đời cha ông, tổ tiên của họ vẫn phải đi bằng đường bộ, đi qua những con đường mòn để tới Nhà Thờ Lăngbiăng hay Nhà Thờ Phú Sơn. Những con người mà sau này khá hơn đã có xe máy hay đi bằng xe ô tô hàng năm ít là một lần để tới Nhà Thờ xưng tội, hôm nay đây ngày 07/12/2007, họ nong nả đi về Liêng Trang II, xã Đạ Tông, huyện Đamrông để tham dự thánh lễ long trọng do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giám Mục Đà Lạt chủ sự, khởi công xây dựng nhà thờ Đa Tông vào lúc 10 giờ 00, thứ sáu dịp kỷ niệm 80 năm người bản địa đầu tiên được lãnh nhận phép rửa ( 07/12/1927-07/12/2007 ). Thánh lễ qui tụ hơn 10.000 anh chị em Dân tộc tại chỗ, các vùng phụ cận và một số anh chị em người Kinh. Sự có mặt của hơn 113 linh mục Triều và Dòng trong địa phận và một số đông tu sĩ nam nữ đã nói lên lòng khao khát có một ngôi Nhà Thờ cho Chúa ngự và nơi đây sẽ qui tụ các anh chị em Dân tộc dâng lễ, cầu kinh, lãnh nhận các bí tích.

      Con đường dẫn vào Đa Tông hàng ngày vẫn bình thường, nhưng hôm nay lại khác hẳn, đúng là một ngày hội lớn. Mẹ Maria xưa khi nói lời xin vâng đã hớn hở, vui mừng, nong nả, chóng vánh đem niềm vui, niềm hạnh phúc và ơn cứu độ đến cho bà chị họ Elisabeth và thánh Gioan Tẩy Giả đang trong cung lòng bà Isave. Mẹ đã biểu lộ niềm vui và đón nhận sự an ủi của Chúa Thánh Thần. Một ngôi Nhà Thờ với tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm từ hôm nay khi được Đức Cha làm phép diện tích và đặt viên đá đầu tiên sẽ từ từ được hoàn thành theo tiến độ thi công. Một Nhà Thờ với kiến trúc đường nét Dân tộc bản địa, với số đá, vật liệu lấy ngay tại địa phương sẽ góp phần vào việc bảo tồn văn hóa bản địa. Vua Đavít xưa đã ước mong xây nhà cho Chúa, nhưng vua Salomon mới là người hạnh phúc được xây Nhà cho Chúa ngự. Với nhiều trăn trở, nhiều nỗ lực Đức Cha Phêrô đã luôn ao ước có ngôi Nhà Thờ khang trang, đẹp để giữa núi rừng Đamrông, Chúa luôn ngự trị và qui tụ đoàn con Dân tộc của Người. Niềm mong ước ấy, hôm nay đã trở thành hiện thực. Mọi người đều vui, mọi người đều hài lòng…Một cụ già Dân tộc đã nói với tôi rất chân thành:

-Cha ơi, chúng con cám ơn Đức Cha và các Cha đã lo lắng cho chúng con có nhà thờ ở Đa Tông, Đamrông. Chúng con cứ tưởng đang trong mơ. Cha ông chúng con, tổ tiên chúng con chưa có Nhà Thờ và giờ đây chúng con sẽ không phải tìm Chúa ở xa nữa.

-Ơ Bàp, bol kon ơn ngăi Bàp Glăng ma bol Bàp neh jơh nùs jòe gùng loh bol kon in Hìu Yàng tăm Đa Tong, Đamrông. Bol kòn kư kờt tăm mpău ih. Mò pàng, ong pàng yău lài òr ờ hềt geh hìu Yàng, mơ bol kòn tăi ding hơ ờ kuơ bòl kòn di păl jòeYàng ngài tăi ih.

    Đường dẫn về Đa Tông, Đamrông nơi xây dựng Nhà Thờ Đa Tông bên dòng suối và chiếc cầu Đar-hố hôm nay 07/12/2007 quả khác lạ và ấm hẳn lên. Đường về Nhà Chúa, đường về Thiên Đàng, đường tìm đến bến bờ hạnh phúc quả là con đường hạnh phúc.

     Đức Hồng Y Carlo Martini khi nhận chức Tổng Giám Mục Milanô đã nói:” Tôi đến giữa anh em như một người được chúa sai đến, qua bài sai của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, và tôi đến để mang tới cho anh em một sứ điệp. Đó chính là sứ điệp mà thánh Phaolô đã nói với các tín hữu Corintô:” Đây là Tin Mừng mà anh em đã lãnh nhận. Chính nhờ Tin Mừng này mà anh em được đứng vững, và lãnh nhận ơn cứu độ. Đó là Đức Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại. Ngài là Đấng cứu chuộc của loài người. Đức Giêsu Kitô là Đấng đã chết cho chúng ta. Đức Giêu Kitô là Đấng đang sống và đang yêu thương chúng ta. Đức Giêsu được công bố trong lời rao giảng của chúng tôi, được tôn vinh, được chúc tụng trong phụng vụ…”.

     Đatông hôm nay, chắc chắn đang mở ra một chân trời mới :” Một Nhà Thờ và những người con cái Chúa, gia sản của Chúa trao ban “.Công trình xây dựng Nhà Thờ Đa Tông đang bắt đầu và từ đây, công trình xây dựng các Đền Thờ tâm hồn cũng đang được hun đúc.

 

 

Linh mục Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Mục lục

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

Giã từ năm 2007: những nhân vật nổi bật đã qua đời trong một năm qua


 Điểm qua những nhân vật nổi bật đã qua đời trong một năm qua.


Giáo Hội Công Giáo đã mất đi 8 vị Hồng Y trong năm 2007:



1. Đức Hồng Y Antonio Javierre Ortas, 85 tuổi người Tây Ban Nha, nguyên Tổng Trưởng Bộ Phụng Vụ và Kỷ Luật Bí Tích, vào năm 1994 chính Ngài đã ra một thông tư cho phép phụ nữ và thiếu nữ được phép giúp lễ. Ngài đã qua đời vào ngày 1-2 tại Roma.


2. Đức Hồng Y Angelo Felici, 87 tuổi, nguyên Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh đã qua đời ngày 17-6 tại Italy.

3. Đức HỒng Y Jean-Marie Lustiger, 80 tuổi là người Do Thái, nguyên Tổng Giám Mục thành phố hoa lệ Ba Lê, là người đã bảo vệ quyền của người tín hữu được quyền tranh luận trong xã hội dân sự, đã qua đời ngày 5-8 tại Ba Lê.


4. Đức Hồng Y Edouard Gagon, 89 tuổi, người Canada, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình và Chủ Tịch Ủy Ban Hội Nghị Thánh Thể Quốc Tế, đã qua đời ngày 25-8 tại Montreal-Canada.

5. Đức Hồng Y Adam Kozlowlecki, 96 tuổi, vị giáo sĩ Dòng Tên người Ba La, đã làm việc truyền giáo hơn 50 năm trong đời Ngài tại Zambia – Phi Châu và là cựu Tổng Giám Mục từ nhiệm tại Lusaka, Zambia, đã qua đời ngày 28-9 tại Lusaka- Phi Châu.


6. Đức Hồng Y Rosalio Castillo Lara, 85 tuổi người nước Venezuela, nguyên Chủ Tịch Ủy Ban Tổng Duyệt Giáo Luật, đã qua đời ngày 16-10 tại Caracas, Venezuela.


7. Đức Hồng Y Stephen Fumio Hamao, 77 tuổi, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng dành cho người Di Dân và Tỵ Nạn. Ngài xin gia nhập đạo Công Giáo lúc 16 tuổi và năm 19 tuổi ngài xin vào Đại Chủng Viện tức là 3 năm sau đó. Đức Hồng Y Hamao đã qua đời vào ngày 8-11 tại Tokyo, Nhật Bản.

8. Đức Hồng Y Alfons Sickler, 97 tuổi được coi là vị Hồng Y cao niên nhất thế giới đã qua đời ngày 12-12 tại Roma.


Cũng không quên đến vị Giám Mục từ nhiệm Ignacy Jez tại Koszalin-Kolobrzed, 93 tuổi, người Ba Lan, là người sống sót trong trại Nazi của Đức Quốc Xã, được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm vào Hồng Y Đoàn, nhưng đã được Chúa gọi về vào ngày 16/10 vào đêm trước khi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI công bố danh sách tân Hồng Y Đoàn vào ngày 17/10.


Trong năm qua Giáo Hội Công Giáo cũng mất đi ba vị nhạc sĩ lỗi lạc, theo thứ tự niên lịch đó là:


1. Nhạc Sĩ Dominicô Vũ Văn Tuynh, 85 tuổi qua đời tại Sydney Australia ngày 21/1. Nguyên là Thiếu Tá Nhạc Trưởng Nhạc Đoàn Không Quân thời Việt Nam Cộng Hòa, nếu ai đã từng là ca viên chính hiệu “con nai vàng” và các nhạc sĩ sáng tác các bài Thánh Ca thì sẽ biết tên tuổi của cụ. Cụ sáng tác rất nhiều bài, nhất là những bài hòa âm phối khí, xin đương cử một số bài như bài Giáng Sinh “Hôm Nay Con Cái Xum Vầy” sáng tác chung với Lê Ký, Bài “Lên Núi Si On” (Hôm nay là ngày Thiên Chúa dựng nên.. ) hát dịp Phục Sinh, nhạc và lời của cố Nhạc Sĩ Hùng Lân, hòa âm Vũ Văn Tuynh bài này viết riêng cho Ca Đoàn Cung Chiều tại Đắc Lộ. Bài “Lòng Trời” là bài Londonderry Ar, cổ điệu xứ Ái Nhĩ Lan, lời việt của Linh Mục Vũ Khởi Phụng, Dòng Chúa Cứu Thế, hòa âm Vũ Văn Tuynh. Bài Ma P’Tit Tête, nhạc Aime Duval, lời việt của Cha Vũ Khởi Phụng, hòa âm Vũ Văn Tuynh, bài này được viết ra có tên là “Lang Thang Trong Chiều”, dành cho Ca Đoàn Lang Thang được thành lập trong lúc giao thời để đi hát ‘lang thang” không có chỗ tựa chính thức. Ca đoàn Lang Thang do anh Hoàng Hương làm Ca Trưởng, nguyên là ca trưởng Ca Đoàn Cung Chiều trước thời anh Thần Chu (em Viết Chung). Có lẽ bài sáng tác cuối cùng là bài “Kinh La Vang” nhạc của Vũ Văn Tuynh, lời của Đức Tổng Giám Mục Huế Nguyễn Như Thể, nhân dịp mừng 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, rất tiếc bài này không được phổ biến rộng rãi, có dịp chúng tôi sẽ cho phổ biến bài này lên mạng lưới.


2. Linh Mục Nhạc Sĩ Hoài Đức tên thật là Lê Đức Triệu đã qua đời tại nhà hưu dưỡng các Linh Mục Hà Nội ở Ngã Sáu Sài Gòn ngày 7-7. Nếu đã là người Công Giáo thì không ai không thể biết được những bài nổi danh của Ngài như Mùa Đông Năm Ấy, Cao Cung Lên, Dâng Mẹ, Cung Chúc Trinh Vương, Chúa Ơì Nay Ngày Xuân.... Đó là những bài ca bất hủ đã đi vào lòng người tín hữu Công Giáo Việt Nam. Riêng bài Dâng Mẹ (Lạy Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa Mẹ Đồng Trinh) và bài Cung Chúc Trinh Vương là những bài ca độc nhất vô nhị, các Ca Đoàn đã xử dụng để hát vào ngày đầu năm Dương Lịch lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (1/1) và Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12)


3. Linh Mục Nhạc Sĩ Dòng Thánh Linh Lucien Deiss, 86 tuổi, là nhạc sĩ nổi tiếng các bài thánh ca phụng vụ và cũng là vị trợ lý về thánh ca cho Công Đồng Vaticanô 2, đã qua đời ngày 9/10 tại quê hương của Ngài là nước Pháp. Quí vị cũng có thể biết được đôi chút về thể nhạc của ngài, xin hãy lấy bài “Mẹ Là Danh Tiếng” nhạc của Cha Lucien Deiss, lời Việt của cố linh mục nhạc sĩ Hoàng Kim. Một bài khác mà lời của Cha cố Hoàng Kim phỏng theo nhạc của Cha Deiss, đó là bài “Hỡi Dân Tư Tế”.

Giáo Hội Việt Nam trong năm qua cũng mất đi một vị Giám Mục là Đức Cha Raphae Nguyễn Văn Diệp, Giám Mục Phó Giám Mục Vĩnh Long qua đời ngày 20/12 hưởng thọ 81 tuổi.


Những nhân vật nổi bật khác qua đời trong năm 2007 theo thứ tự niên lịch:


- Đức Giám Mục Giuse Meng Ziwen tại Nam Ninh Trung Hoa, 103 tuổi, được thụ phong Giám Mục vào năm 1984, qua đời ngày 7/1 tại Trung Hoa.


- Larry Stewart, qua đời hưởng thọ 58 tuổi, là một nhà triệu phú xuất thân từ Kansas City- Hoa Kỳ, và được mệnh danh là “The Secret Santa Claus”, vì cứ đến mùa Giáng Sinh, ông khoác lấy áo ông già Noel và đi phân phát tiền cho những người nghèo, không một ai biết ông là ai, và ông đã phân phát tổng cộng số tiền riêng của ông là 1.3 triệu Mỹ Kim.


-Bà Hanley Denning, 36 tuổi được nổi danh tại Guatemala là “Thiên Thần tại những nơi rác rửi”, vì cô Denning đã giúp đỡ những trẻ em khỏi nghề đi bới rác sinh sống, qua đời ngày 18/1 ở ngoại thành Thành Phố Guatemala.


-Abbe Pierre, 94 tuổi con ông bà Henri-Antoine Groues là người đã thành lập Cộng Đoàn Emmau tại Pháp để săn sóc và tìm chỗ ở cho những người vô gia cư, Cộng Đoàn này được phổ biến và thành lập trên 30 quốc gia khắp thế giới. Abbe Pierre qua đời ngày 22/1 tại Ba Lê.


-Linh Mục Dòng Tên Robert F. Drinan, 86 tuổi, là vị linh mục Công Giáo đầu tiên ra tranh cử vào ghế nghị viện Hoa Kỳ, Cha làm nghị sĩ đại diện bang Massachusett trong 5 nhiệm kỳ từ năm 1971 đến năm 1981, nhưng sau đó đã không ra tranh cử vì lệnh của Cha Bề Trên Tỉnh Dòng Tên, qua đời ngày 28/1.

-Linh Mục Dòng Tên Joseph R. Hacala, 61 tuổi, nguyên chủ tịch Chiến Dịch Phát Triển Nhân Bản và của Đại Học Dòng Tên Wheeling (W.Va.), qua đời ngày 19/2 tại Rochester, Minn.


- Giám Mục Jose Ivo Lorscheiter, 79 tuổi, Giám Mục tự nhiệm Giáo Phận Santa Maria, Brazil, là một vị giám mục đã mạnh mẽ không sợ sệt gióng lên tiếng nói chống lại thời kỳ theo chính thể do quân đội cầm quyền tại Brazil, qua đời tại Santa Maria.


- Nữ Diễn Viên Ca Sĩ Betty Hutton, 86 tuổi, đã đã nhiều phim hài hước và nhạc kịch hàng đầu tại Hoa Kỳ trong thập niên 1940 và 1950, qua đời tại California- Hoa Kỳ ngày 11/3.


- Bowie Kuhn, 80 tuổi, đã tham gia vào các chương trình do Công Giáo tổ chứ csau khi trở thành đại biểu từ năm 1969-1984 trong ngành thể thao baseball, ông cũng được bầu chọn vào người nổi danh trong ngành thể thao baseball’s Hall of Fame, đã qua đời ngày 15/3 tại Jacksonville, Fla.


- Bà Maria Julia Hernandez, 68 tuổi trong hơn hai thấp nhiên làm lãnh tụ Tổ Chức Tutela Legal, một tổ chức nhân quyền của Tổng Giáo Phận San Salvador, được quốc tế công nhận, đã qua đời ngày 30/3 tại El Sanvador. Bà hernandez đã cùng làm việc sát cánh với Tổng Giám Mục Oscar A. Romero, người đã bị giết vào năm 1980, đã mạnh mẽ lên án và chống đối trong cuộc nội chiến lâu dài giữa chính quyền quân phiện và phiến quân dân sự. Khi cầm đầu tổ chức Tutela Legal vào năm 1982, Bà Hernandez đã điều tra và liệt kê danh sanh những hành động vi phạm nhân quyền của quân đội Salvadore và các phiến quân. Mặc dầu vẫn bị hăm dọa đến tính mạng, nhưng bà Hernandez vẫn can đảm đưa ra ánh sáng những hành động tội ác xảy ra nơi chính quốc gia của bà.

(còn tiếp)

 

Ngọc Loan

Nhìn lại cuộc sống

 

Khi hai kim đồng hồ ngày 31.12. 2007 chạy chỉ chập đúng vào số 12. lúc nửa đêm, và dừng lại giây phút, thế là 12 tháng, 52 tuần lễ, 365 ngày, 8760 giờ, 525.600 phút, 31.536.000 giây của năm 2007 kết thúc đi vào qúa khứ.

Trong những giây phút đã qua đó, chúng ta đã trải qua những vui mừng, lo âu hồi hộp, đã sống căng thẳng có khi phải thở ra hổn hển cùng nín thở, hay là khoảnh khắc hơi thở cuối cùng của những người từ gĩa trần gian trở về với lòng đất mẹ; hay cũng là lúc chào đời của những em bé từ gĩa cung lòng mẹ hít hơi thở đầu tiên cùng với tiếng khóc đầu đời đi vào cuộc sống trần gian.

Trong những giờ phút đó đã qua đó, con người đã sống trải qua cảm thấy không chỉ niềm vui hạnh phúc, mà còn cả những gánh nặng cùng những thử thách chồng chất trong đời sống.

Trong những giờ phút đã qua đó, khi dành khoảnh khắc suy nghĩ về đời sống đã nhớ lại, có khi nghĩ tốt, làm điều ngay chính thiện hảo. Nhưng cũng có những ăn năn hối lỗi, vì đã sống sai đạo lý không hợp với đạo đức tình người.

Giây phút, thời giờ năm 2007 qua đi. Nhưng chúng lại không do ta tạo lập ra, cùng điều khiển cho dài, cho ngắn thêm ra. Năm tháng thời giờ là do Thiên Chúa tạo dựng ra, như món qùa tặng cho con người.

Người cảm nhận ra điều này, cũng như không hay chưa nhận ra điều này, đều phải chấp nhận năm 2007 qua đi vào qúa khứ. Và năm mới 2008 đang tiến về với đất trời, với lòng người.

Thánh Phaolô đã viết tâm tình gửi cho Giáo đoàn Côrinthô về cung cách sống của mình trong thời qúa khứ cùng hướng về tương lai:

„Chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa: gian nan, khốn quẫn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng. Chúng tôi còn chứng tỏ điều đó bằng cách ăn ở trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối, bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa.“(2 Cor 6,4-7).

Trong đời sống năm qua, chắc chắn ai cũng mong muốn cho mình cùng cho gia đình và mọi người một đời sống bằng an, cùng gặp được nhiều sự may lành. Nhưng những biến cố trong đời sống năm 2007 lại xảy ra có nhiều điều tích cực lẫn tiêu cực pha trộn đan chéo vào nhau, như ta đã sống trải qua.

- Niềm an ủi, lời cầu chúc cùng cả thất vọng.

- Giờ phút ngạc nhiên vui mừng, cùng cả giờ phút lo âu sợ hãi.

- Được sống ngắm nhìn những cảnh lạ lùng trong thiên nhiên, và cả những biến cố đau lòng đau lòng thương tâm như thiên tai bão lụt, cháy rừng, chìm tầu bè trên đại dương sông nước.

- Những tin tức hình ảnh về hòa bình thịnh vượng, cùng cả những hình ảnh tin tức về chiến tranh bạo lực hầu như xảy ra hằng ngày.

- Những cảnh gia đình xum họp, cảnh em bé chào đời mang niềm vui hạnh phúc cho mọi người, cùng cả những tin tức hình ảnh gia đình ly tán, cảnh trẻ em bị hành hạ chết khát chết đói.

- Những giờ phút cảm thấy mình mạnh sức khoẻ mạnh, cũng như cả những lúc yếu đuối từ tinh thần tới thể xác.

- Trong nhiều gia đình có những giờ phút thuận hòa cùng nâng đỡ nhau sống vượt qua thử thách khốn khó, cùng cả những giờ phút hiểu lầm nhau gây ra hồ nghi hoang mang, và còn có khi tệ hại hơn nữa đi đến đổ vỡ cuộc sống gia đình…

- Những giờ phút cầu nguyện cảm thấy tâm hồn an bình, cũng như cả những giờ phút khô khan không còn muốn tin, không muốn cầu nguyện nữa….

Như thế, trong đời sống không chỉ có mặt sáng, mà cũng có cả mặt bóng tối nữa. Nhưng ai cũng khám phá cảm nhận ra, dẫu vậy đã có được nhiều điều tích cực, đạt điều thành công trong đời sống trong năm 2007.

Phải chăng như thế chưa đủ là lý do để nói lên lời cám ơn Đấng đã cho mình những điều đó hay sao?

Trong Phúc âm thuật lại chuyện 10 người bị bệnh phong cùi được Chúa Giêsu làm phép lạ chữa cho khỏi bệnh. Nhưng sau cùng chỉ có một người trong họ quay trở lại tìm gặp Chúa Giêsu nói lời ca ngợi cám ơn Chúa. ( Lc 17,18).

Chín người khác, lẽ dĩ nhiên họ vui mừng vì được chữa khỏi bệnh. Có thể họ cũng nhớ đến với tấm lòng biết ơn Chúa Giêsu, người đã chữa cho mình khỏi bệnh khoẻ mạnh trở lại. Nhưng Chúa Giêsu với họ không hơn không kém là một vị thầy thuốc cao tay có lộc, một trường hợp may mắn bất ngờ thôi!

Còn người trở lại ca ngợi cám ơn Chúa Giêsu, muốn nói lên tâm tình: Chúa đã trao tặng anh ta sức khoẻ, đã mang đến cho anh ta một khởi đầu mói trong đời sống. Anh ta là người duy nhất trong 10 người đó, có ý nghĩ cảm nhận: bàn tay Thiên Chúa che chở can thiệp trong đời sống mình.

Anh ta là người duy nhất trong những giờ phút đen tối đau khổ nhất đời mình luôn nghĩ nhớ đến: Dẫu sao vẫn có một Ngừơi nào đó nhìn đến thân phận số mạng mình đang gánh chịu. Đời sống mình không phải là một con số như bao con số khác. Không, trong bàn tay nhân lành của Người đó thân phận đời sống mình được gìn giữ che chở.

Điều này đã giúp sức mạnh cho anh ta chấp nhận vượt qua những thử thách mới.

Như cách sống của người duy nhất trong 10 người được chữa khỏi bệnh, ngày cuối năm 31.12.2007, ngày Silvester, chúng ta nhớ lại những điều may lành, những qùa tặng Thiên Chúa đã ban cho trong đời sống, với tấm lòng biết ơn và ca ngợi Ngài.

Điều này giúp tâm hồn ta thêm sức mạnh cùng phấn khởi với niềm tin bước vào năm mới 2008 đang tiến vào trong đất trời.

Chúc mừng Năm Mới 2008!


Lm. Nguyễn ngọc Long

 

Mục lục

 

 

 

SỨ MẠNG GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO

 

I.- Gia ĐÌnh lÀ GÌ?

1- “Tự điển Việt Nam” của Lê Văn Đức, định nghĩa như sau:

Trước hết, gia đình là một đơn vị, một nhà gồm hai vợ chồng và con cái mình. Đó là ý nghĩa chặt chẽ nhất chúng ta thường dùng để nói về gia đình.

Tiếp đến, gia đình là một dòng họ, gồm tất cả ông bà, cha mẹ, con cháu cùng chung một huyết thống. Đó là ý nghĩa rộng rãi hơn.

2- “Đại Từ điển Tiếng Việt” của Nguyễn Như Ý, định nghĩa như sau:

Gia đình là tập hợp những người có quan hệ hôn nhân và huyết thống trong cùng một nhà.

3- Người Anh-Mỹ có câu định nghĩa khá ý nghĩa và thú vị: “Family is my home, not my house” (Gia đình là mái ấm, chứ không phải ngôi nhà). Với ý nghĩa này người ta còn giải thích thêm: F = Father, A = And, M = Mother, I = I, L = Love, Y = You. Nghĩa là: cha ơi, mẹ ơi, con yêu mến cha mẹ.

4- Còn có khá nhiều định nghĩa mới về gia đình, thích ứng với thời đại phát triển mới cũng như thích ứng với nhu cầu tôn giáo như:

- Gia đình là tế bào của xã hội (là một xã hội nhỏ).

- Gia đình là tế bào đầu tiên và sống động của xã hội.

- Gia đình là chi thể của Giáo Hội (là một Giáo Hội nhỏ).

- Gia đình là nền tảng của Giáo Hội.

- Gia đình là trung tâm của Phúc Âm hóa.

- Gia đình là mái trường đầu tiên…

- Gia đình là chiếc nôi của tình yêu.

- Gia đình là tổ chức đoàn thể, hay tập thể được quy tụ lại bằng sợi giây yêu thương.

Trên đây là những định nghĩa tiêu biểu về gia đình. Mỗi định nghĩa đều có lý và có ý nhắm đến một góc cạnh thiết yếu về vai trò và sứ mệnh của gia đình.

Trong khuôn khổ của bài này, tôi xin trình bày đôi nét về sứ mạng gia đình Kitô giáo theo tinh thần của Tin Mừng và Giáo Huấn của Giáo Hội.

ii.- SỨ mẠng gia đình Kitô giáo

Như chúng ta đã xác quyết: gia đình Kitô giáo là một tế bào sống động của Giáo Hội, một Giáo Hội “cỡ nhỏ”. ĐTC Lêô XIII thường hay nói: “Gia đình nào, xã hội nấy” hay “Gia đình nào Giáo Hội nấy”. Muốn canh tân xã hội hay Giáo Hội, thì việc đầu tiên phải làm đó là phải canh tân gia đình. Chính vì thế, gia đình Kitô giáo cũng mang trong mình sứ mạng như sứ mạng của Giáo Hội mà Chúa Chúa Giêsu đã ủy thác. Đó là sứ mạng: 1) yêu thương phục vụ; 2) Tư tế; 3) Ngôn sứ; 4) Vương giả.

1. Yêu thương phục vụ:

Với khiá cạnh đời thường, thì gia đình từ bản chất vốn phải là một tổ ấm yêu thương, và là chiếc nôi hạnh phúc của con người.

Nhưng với khiá cạnh tôn giáo. Gia đình Kitô giáo, phát xuất từ Bí tích Hôn Phối, thì bản chất và sứ mạng nền tảng trước tiên phải là yêu thương và phục vụ để đạt được hạnh phúc. Vì như Chúa Kitô yêu thương và nhận Hội Thánh là thê tử của mình thế nào, thì gia đình Kitô giáo cũng noi gương mẫu đó mà yêu thương, hy sinh và dấn thân như vậy. (x. Ep 5,32)

 Nói cách khác, tình yêu là cốt tủy của sứ mệnh gia đình Kitô giáo. Như lời của đôi tân hôn trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh trong ngày lễ cưới cam kết rằng: “Yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời…; Lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe…”.

Về lãnh vực tình yêu thương, Thánh Âutinh có lời khuyên rằng: “Hãy yêu trước đã, rồi muốn làm gì thì làm”. Nhưng phải làm như lời dạy của Chúa Giêsu: “yêu như chính mình… dám hy sinh vì người mình yêu” (x. Ga 15,13). Hay như lời khuyên của Thánh Phaolô Tông đồ “đừng làm tổn thương hay lừa dối người mình yêu” (1Tx 4,6).

Thánh Phaolô trong thư gửi cho giáo đoàn Côlôsê, ngài cũng nêu lên hẳn một chỉ thị cho từng thành phần trong gia đình (x. Cl 3,18-25). Đặc biệt ngài đặt tình yêu gia đình trên nền tảng tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh và là dấu chỉ cho tình yêu nhiệm mầu ấy (x. Ep 5,1-6,9. Tương tự như vậy, Thánh Phêrô cũng có những giáo huấn cho đời sống gia đình (1Pr 3,1-12).

Còn Trong Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gởi Cộng Đồng Dân Chúa năm 2007 này cũng nhắc lại vấn đề tương tự: “Gia đình là Giáo Hội tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo. Mọi thành viên của gia đình, ông bà, cha mẹ và các anh chị em sống đạo nhiệt thành làm thành truyền thống đức tin gia đình. Nơi đây, đức tin được truyền thụ qua những lời cầu nguyện, lời nhủ bảo, đặc biệt trong những biến cố vui buồn của cuộc sống và qua những mẫu gương đức tin. Gia đình còn là "chiếc nôi của sự sống và tình yêu" (GHXH/GH 209) giúp các phần tử gia đình cảm nghiệm tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa, đồng thời cũng giúp hình dung trước những mối tương quan liên vị trong xã hội”. (TC/HĐGMVN 2007 số 28)

Yêu thương là chu toàn lề luật. Vì hết thảy giáo huấn của Chúa và lề luật của Kitô giáo đã được tóm lược trong hai điều: Mến Chúa và yêu người (x. Mt 22,37-40; Mc 12,31-34; Lc 10,27-28). Như vậy, khi yêu thương, người Kitô hữu sẽ hành động theo như tình yêu đòi hỏi, để mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của ta biểu lộ tình yêu phù hợp với đạo đức và lề luật Kitô giáo.

Đỉnh cao của tình yêu là dâng hiến, như lời răn của Chúa Giêsu: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em. Không ai có tình yêu cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,12-13).

Vậy, để có được một tình yêu trưởng thành, một tình yêu như điều răn của Chúa Giêsu dạy, chúng ta cần phải tập luyện từng ngày. Và không có một môi trường nào thuận tiện cho việc tập luyện và thăng tiến tình yêu thương cho bằng gia đình.

2) Sứ mạng Tư tế (Phụng thờ):

Ba sứ mạng của Bí tích Rửa Tội cũng chính là ba quyền hạn phổ quát mà Thiên Chúa ban cho mỗi người Kitô hữu.

Từ sau Công đồng Vatican II, Giáo Hội đã quan tâm đến gia đình một cách đặc biệt và gọi gia đình là Giáo Hội tại gia hay Giáo Hội nhỏ. Đến đời ĐTC Phaolô VI, ngài gọi các cha mẹ, hay anh chị lớn là Linh mục gia đình hay Linh mục tại gia.

Theo ý nghĩa thần học. Người được Rửa Tội là một Linh mục phổ quát, hay còn gọi là Linh mục cộng đồng. Người đó có quyền hạn và sứ mạng thực thi hành vi tư tế để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa bản thân và mọi người. Vì Chúa Giêsu là đầu, là tư tế, là Linh mục thì chi thể của Người cũng được chia sẻ quyền của đầu, là quyền tư tế, quyền Linh mục trong cùng một thân mình mầu nhiệm là Chúa Giêsu Kitô. Với quyền tư tế này chúng ta dâng lễ vật quý nhất là chính Chúa Giêsu rồi dâng chính cuộc sống của ta với bao vui buồn sướng khổ, dâng chính con người của mình, cả hồn lẫn xác, như lời khuyên của Thánh Phaolô: "Tôi khuyên anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa, đó là cách xứng hợp để anh em thờ phượng Ngài".

Với tư cách là Giáo Hội tại gia, mọi thành viên trong gia đình, bắt đầu từ người có địa vị lớn nhất trở xuống, ai nấy đều có trách nhiệm trong Giáo Hội này? Và như thế, chính cha mẹ hay các anh chị lớn có một chức năng và trách nhiệm như là một Linh mục phụ trách với tư cách “Linh mục tại gia hay Linh mục gia đình” để dạy bảo con em về đời sống đạo đức nhân bản đối với mỗi người trong gia đình và tha nhân ngoài xã hội. Đồng thời có bổn phận dạy giáo lý và dẫn giải Lời Chúa hoặc kinh nghiệm sống đạo cho con em mình.

3) Sứ mạng Ngôn sứ (Loan báo):

Ngôn sứ là người loan báo lệnh truyền của Chúa, là người truyền đạt ý Chúa cho người khác. Với ý nghĩa này thì sứ mạng ngôn sứ của gia đình Kitô giáo chính là đọc Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa và thi hành Lời Chúa dạy ngay trong môi trường gia đình của mình. Đồng thời nêu gương sống và truyền giáo đến những người xung quanh, cụ thể và sống động nhất của lời loan báo chính là đời sống chứng nhân Tin Mừng, bắt nguồn từ trong gia đình, rồi lan rộng ra xóm làng và những người lân cận.

Tông Huấn về đời sống gia đình của Công đồng Vaticanô II viết: "Cha mẹ chẳng những truyền thụ Tin Mừng cho con cái mà còn có thể nhận lại chính Tin Mừng ấy, đã được sống sâu sắc từ phía con cái. Một gia đình như thế sẽ có sức Tin Mừng hóa nhiều gia đình khác và cả môi trường chung quanh. Như Hội Thánh toàn cầu, Hội Thánh tại gia có nghĩa vụ tạo môi trường cho Tin Mừng được truyền đạt” (FC số 51).

Như vậy, sứ mệnh ngôn sứ trong thời đại mới hôm nay cũng chính là sứ mệnh Tin Mừng hóa nơi mỗi gia đình Kitô giáo. Bởi vì gia đình Kitô giáo dự phần vào sự sống và sứ mạng của Hội Thánh, một Hội Thánh đang kiên trì lắng nghe Lời Thiên Chúa với tâm tình tôn giáo và đang công bố Lời ấy với lòng tin cậy mãnh liệt, nên gia đình ấy sống vai trò ngôn sứ và Tin Mừng hóa của mình, bằng cách đón nhận và loan báo Lời Chúa, như thế gia đình ngày càng trở nên một cộng đồng tin và rao giảng Tin Mừng. Hội Thánh nhỏ tại gia, cần được Tin Mừng hóa liên tục và sâu đậm! từ đó mà sinh ra bổn phận phải giáo dục gia đình trong Đức Tin.

Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2007, cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm giáo dục đức tin thuộc về mọi Kitô hữu (số 26); và coi đó là sứ mệnh cao cả (số 16). Việc Tin Mừng hóa tùy thuộc phần lớn, nơi Hội Thánh tại gia. Như vậy, mỗi thành viên trong gia đình đều có nhiệm vụ học hỏi và sống Lời Chúa.

Trong Thư Chung này Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng tỏ ra có một vài mối quan ngại đến lãnh vực đức tin: vì nhiều bậc phụ huynh Công giáo, kể cả các vị mục tử, vẫn còn lơ là hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thông truyền đức tin cho con cái, không tổ chức hoặc không lo lắng cho con em tham dự những lớp giáo lý tại giáo xứ. (x. số 15)

Với khẳng định này gia đình trở thành trung tâm của Phúc Âm hóa, nhận sứ mạng Phúc Âm hóa từ kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa về gia đình: "Bởi vì "Đấng Tạo Hóa đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội con người…, nên gia đình trở thành tế bào đầu tiên và sống động của xã hội" (AA số 11; GS 52).

Khẳng định gia đình là trung tâm của Phúc Âm hóa còn có nghĩa là công cuộc Phúc Âm hóa phải bắt đầu từ gia đình vì "cha mẹ chính là những nhà giáo đầu tiên; sách giáo khoa đầu tiên chính là những quan hệ trong gia đình, giữa cha mẹ với nhau, giữa cha mẹ với con cái, giữa gia đình này với gia đình khác" và "những bài học đầu tiên về cầu nguyện, về mến Chúa yêu người đều được học và được dạy trong gia đình" (xem Thư Chung Hội đồng Giám Mục Việt Nam năm 1998, trích dẫn Tông huấn Giáo Hội tại Á châu, số 7).

Về việc Phúc Âm hóa ĐTC Phaolô VI và Gioan Phaolô II nhấn mạnh: "Tùy mức độ gia đình Kitô hữu đón nhận Tin Mừng và trưởng thành trong đức tin mà nó trở thành một cộng đồng Phúc Âm hóa". Chúng ta hãy nghe lại lời của Đức Phaolô VI: "...Cũng như Giáo Hội, gia đình có nghĩa vụ tạo môi trường cho Tin Mừng được truyền đạt tới và từ đó Tin Mừng được lan tỏa ra. Vậy trong một gia đình ý thức về sứ mạng này, mọi phần tử gia đình đều được Phúc Âm hóa. Cha mẹ chẳng những truyền thụ Tin Mừng cho con cái mà còn có thể nhận lại chính Tin Mừng ấy đã được sống sâu sắc từ phía con cái. Và một gia đình như thế sẽ có sức Tin Mừng hóa nhiều gia đình khác và cả môi trường chung quanh" (EN số 71).

 

Để mỗi thành viên trong gia đình trưởng thành hơn trong đời sống đức tin, gia đình đó phải nhấn mạnh đến ý thức bổn phận của cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái: "Các cha mẹ Kitô hữu có bổn phận đặc biệt phải giáo dục cho con cái họ biết cầu nguyện, phải đưa chúng tới chỗ dần dần khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa và đối thoại cá nhân với Ngài... ; trẻ em phải được dạy dỗ để nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân, theo như đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội" (GE số 3).

4) Sứ mạng Vương đế:

Tông Huấn Familiaris Consortio viết: "Gia đình Kitô hữu được luật mới của Thánh Thần sinh động, hướng dẫn và được mời gọi sống thừa tác vụ vì tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân trong sự hiệp thông mật thiết với Hội Thánh là dân tộc Vương đế. Cũng như Đức Kitô thực thi Vương quyền của Ngài bằng cách dấn thân phục vụ con người” (x. Mc 10,45).

Do đó, sứ mạng vương đế là chức vụ phục vụ chứ không phải để làm vương làm tướng gì. Như Chúa Giêsu đã dạy và nêu gương phục vụ thế nào, thì mọi người Kitô hữu đều phải noi gương đó mà làm cho tha nhân. Ngài phán: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28; Mc 10,45).

Với giáo huấn của Chúa Kitô và với giáo huấn của Giáo Hội, Chức vương đế thể hiện trách nhiệm của người làm lớn, nhưng vai trò làm lớn này phải bao hàm trong phạm vi quyền hạn phục vụ: “Ai muốn làm lớn thì hãy làm tôi tớ anh em, ai muốn đứng đầu thì hãy trở nên tôi tớ mọi người” (Mt 20,27; Mc 9,35). Vì lãnh đạo luôn gắn liền với phục vụ, cho nên mỗi người trong gia đình, đặc biệt là những bậc làm cha mẹ hãy sống xứng với vai trò và trách nhiệm của người phục vụ và hầu hạ trước tiên là nơi mái ấm gia đình mình sau đó là lan rộng ra với người xung quanh.

Thi hành chức vụ vương đế, người Kitô hữu còn phải dấn thân vào cuộc sống: hy sinh, xả thân vì người khác; noi gương Chúa Giêsu phục vụ và hầu hạ cả đến môn đệ của mình. (x. Ga 13,11-15). Một khi người Kitô hữu tìm được ý nghĩa đích thực của việc dự phần vào vương quyền của Chúa, bằng cách chia sẻ tinh thần và thái độ phục vụ con người của chính Chúa: “Ai phục vụ tha nhân là phục vụ chính Chúa vậy” (x. Mt 25,40); và ai giúp cho tha nhân điều gì thì cũng là làm cho chính Chúa vậy. (x. Mt 25,31-46)

Từ đó nhận ra lòng bác ái phục vụ tha nhân là chi thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, thì cũng chính là phục vụ Chúa Kitô vậy.

Tóm lại: bốn sứ mạng và chức vụ của gia đình Kitô giáo là bốn con đường thực hiện tình yêu mà Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta, đó cũng là bốn con đường hoàn thiện gia đình mình, như lời dạy của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48); cũng với ý nghĩa này Chúa dạy: “Anh em hãy có lòng thương cảm, như Cha của anh em là Đấng thương cảm” (Lc 6,36).

iii.- Áp dỤng:

Trước sự khủng hoảng tan rã của bao gia đình Công Giáo – do tục hóa, do mất Đức Tin, do nền văn minh vật chất hưởng thụ…, mà nền đạo đức gia đình Kitô giáo càng ngày càng giảm đi, không còn để tâm đến vai trò và sứ mệnh thiêng liêng và cao cả của mình nữa.

Giáo Hội kêu gọi và chờ đợi nơi Hội Thánh tại gia, nơi mỗi thành viên trong gia đình phải là một mẫu gương đạo đức và phải đặt ưu tiên đạo đức lên hàng đầu, như lời khuyên và cũng là lời hứa của Chúa Giêsu: "Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác. Người sẽ thêm cho" (Mt 6,33; Lc 12,31).

Quả thực nền tảng đạo đức của gia đình Kitô giáo, bao giờ cũng gắn liền với việc tuân giữ giới răn của Chúa, là yêu thương với hai chiều kích: “Mến Chúa và yêu người”. Nhiều người cứ nghĩ rằng: nền tảng hạnh phúc gia đình chỉ là yêu thương những người trong gia đình mà thôi; thực ra, không chỉ thế mà còn hơn thế nữa. Yêu Chúa và yêu người cũng như yêu tất cả mọi người trong nhà mình, tất cả đều chỉ là những khía cạnh khác nhau của cùng một tình yêu duy nhất. Người nào nói mình yêu Chúa mà không yêu người thì đó là kẻ nói dối (x. 1Ga 4,20). Còn người nói mình yêu tha nhân mà không yêu Chúa thì đó là người chưa cảm nghiệm được rằng mọi tình yêu chân thực đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, và tất cả những gì tốt đẹp hấp dẫn khiến cho mình yêu được người đó đều là những phẩm tính xuất phát từ Thiên Chúa.

Vì đạo đức Kitô giáo và hạnh phúc gia đình đều có chung một nền tảng là tình yêu thương, chứ không phải là kinh tế kỹ thuật, khoa học văn minh theo thời đại mới… Chính sự thánh thiện và đời sống đạo đức xuất phát từ mỗi thành viên trong gia đình và  trong từng gia đình củng cố thêm phần vững mạnh cho Giáo Hội và xã hội.

Để tình yêu đối với tha nhân, trong đó có vợ chồng và con cái của chúng ta được tồn tại và phát triển lâu bền, thì gia đình ấy cần phải đặt vận mệnh của mình trên nền tảng tình yêu của Thiên Chúa. Tương tự như thế, một người yêu thương mọi người một cách chân tình, thì chắc chắn càng có thể yêu vợ-chồng-con cái mình thắm thiết hơn nữa. Và ai yêu thương mọi người trong gia đình một cách chân tình, thì mới có thể nhân rộng tình yêu thương đến với mọi người.

Trong tông huấn "Đời sống Gia đình" Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II xác định: "Gia đình Kitô hữu được mời gọi góp phần tích cực và có trách nhiệm vào sứ mạng của Giáo Hội với một tư thế riêng biệt và độc đáo, bằng cách tự đặt mình phục vụ Giáo Hội và xã hội cả trong yếu tính lẫn trong hành động của mình, với tư cách là một cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu" (FC số 50).

Do đó, nếu chúng ta điều hành được tốt đẹp mọi việc trong nhà, thì chúng ta mới có thể đảm trách được những công việc điều hành trong xã hội hoặc trong Giáo Hội. Vì gia đình chính là một xã hội nhỏ hay Giáo Hội nhỏ (x. 1Tm 3,4-5).

Tóm lại, giữa đạo đức và hạnh phúc gia đình có một tương quan rất mật thiết và rõ rệt. Cũng có thể nói: một gia đình hạnh phúc ắt phải là một gia đình có nến tảng đạo đức. Và ngược lại: gia đình nào có đạo đức thường là gia đình hạnh phúc. Giữa đạo đức và hạnh phúc gia đình có một tương quan mật thiết và tương trợ lẫn nhau.

Vậy, muốn gia đình được hạnh phúc lâu bền, không gì bảo đảm bằng cách cũng cố và canh tân lòng đạo đức trong gia đình mình, mà tiêu chuẩn để đạt được mục tiêu đó chính là thực thi mến Chúa và yêu người. Nói cách khác, ta có thể củng cố tình yêu trong gia đình bằng cách củng cố lòng mến Chúa và tình yêu thương đối với tha nhân.

iv.- KẾt luẬn:

Để kết, xin được mượn lời của Thánh Âutinh, nói về đời sống gia đình Kitô giáo như sau: “Gia đình là một Giáo Hội cỡ nhỏ, một Giáo Hội được thu hẹp, tại đây Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện và sống động, tại đây Chúa Giêsu tiếp tục chịu chết và sống lại. Gia đình còn là sự nối tiếp của Giáo Hội và làm cho Giáo Hội có mặt ở mọi nơi và trong mọi lúc. Gia đình là nơi kết nạp các phần tử lại với Đức Kitô. Gia đình có liên kết mật thiết với Chúa thì Giáo Hội mới được phát triển. Do việc kết hợp sống động với Đức Kitô, được nuôi dưỡng bằng phụng vụ, bằng việc hiến dâng chính mình và bằng kinh nguyện mà phát sinh sự phong phú của gia đình Kitô hữu, trong thừa tác vụ đặc biệt, nhằm thăng tiến nhân bản và qua đó hẳn đã góp phần vào việc biến đổi thế giới".

Còn trong bài diễn văn của ĐTC Bênêđictô XVI cho các gia đình tại Đại hội lần thứ V về gia đình trên thế giới, tại Valencia Tây Ban Nha gần đây, ngài định nghĩa gia đình như sau:

- Gia đình được gọi là Giáo Hội tại gia vì hiệp thông với Giáo Hội.

- Gia đình là trường học huấn luyện công cuộc phát triển nhân bản.

- Gia đình là môi trường ưu tiên số một cho việc học hỏi sống đạo.

- Gia đình là cơ chế trung gian giữa cá nhân, xã hội và Dân tộc.

- Gia đình là nơi vun trồng tình yêu với sự trợ giúp của Thiên Chúa.

- Gia đình là điều thiện hảo, là nền tảng không thể thiếu cho xã hội.

- Gia đình là nơi cha mẹ hứa trước mặt Thiên Chúa chấp nhận nhau.

Cuối cùng ĐTC nói: gia đình là nơi “Thông Truyền Đức Tin”. Nghĩa là có trách nhiệm mục vụ giảng dạy, nâng đỡ, khích lệ và gắn chặt sự hiệp nhất giữa cha mẹ và con cái trong gia đình.

ĐTC nói tiếp: Tôi muốn ngỏ lời với các Ông Bà Nội Ngoại, những thành phần rất quan trọng trong gia đình; những người bảo đảm cho tình thương và sự dịu dàng mà mọi người cần cho đi và lãnh nhận. Ông Bà Nội Ngoại cống hiến cho các cháu một ký ức và sự phong phú của gia đình và là một kho tàng không thể nào quên lãng trong thế hệ mới này, đặc biệt là làm chứng về đức tin cho con cháu trước lúc cái chết gần kề. Ước mong mỗi gia đình hãy dành thì giờ tìm hiểu về sứ mạng và trách nhiệm của gia đình Kitô giáo - Giáo Hội tại gia, để thực hiện sứ mạng mà quý vị đã lãnh nhận, để gia đình ta là gia đình Thánh”.

Quả thực, trong việc xưng đạo, hành đạo, bênh đạo và truyền đạo, nếu mỗi gia đình Kitô hữu trở thành một trung tâm Phúc Âm hóa, một trung tâm của tình yêu thương, một trung tâm phát sinh nền đạo đức… thì trước hết những người trong gia đình và toàn gia đình phải được Phúc Âm hóa, phải tràn đầy tình yêu thương, phải là cái nôi của mọi nền đạo đức và sau đó mỗi người và cả gia đình phải là chứng nhân sống động, phải là muối mặn, là men nồng lan toả đến với mọi người. Trong viễn tượng tốt lành ấy, công cuộc Phúc Âm hóa chắc chắn sẽ có kết quả nhanh chóng và sâu rộng hơn nhiều. Chúng ta hãy nỗ lực và cầu nguyện để gia đình mình và các gia đình thân nhân bạn bè trở thành trung tâm Phúc Âm hóa, trung tâm của văn hóa đạo đức và yêu thương…“Hỡi những bậc làm cha mẹ đừng làm con cái tức giận. Hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6,4). Con cái chúng ta có nên thân nên người hay không, là do tình yêu của Thiên Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần (x. Rm 5,5).

Thưa Quý Vị, những gợi ý trên đây là tổng kết những bài học từ Lời Chúa, từ những giáo huấn của Giáo Hội, và từ những lời khuyên của những nhà chuyên môn trong lãnh vực xây dựng hạnh phúc gia đình Kitô giáo. Mong rằng mỗi người chúng ta lưu lại được trong tâm trí mình một cảm nghiệm nào đó, hay một phương pháp nào đó, hầu nỗ lực vận dụng để vun đắp cho gia đình mình mỗi ngày được hoàn thiện hơn. Xứng đáng với danh hiệu là gia đình Kitô giáo.

Thế hệ con em chúng ta có đức hạnh và tài năng hay không, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào sự giáo dục mà chúng nhận được từ gia đình của chúng.

Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và các Thánh Bổn Mạng, ban muôn ơn lành cho tất cả chúng ta.

=============

Tài liệu tham khảo và những chữ viết tắt:

AA = Apostolicam Actuositatem (Sắc lệnh Tông đồ giáo dân) của Công đồng Vaticanô II.

EAs = Ecclesia in Asia (Tông Huấn Giáo Hội Á Châu 1999).

EN = Evanglii Nuntiandi (Tông huấn Loan báo Tin Mừng) của ĐGH Gioan Phaolô II.

FC = Familiaris Consortio (Tông Huấn về đời sống gia đình) của Công đồng Vaticanô II.

GE = Gravissimun Educationis (Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo).

GS = Gaudium et Spes (Hiến chế mục vụ về Giáo Hội) của Công đồng Vaticanô II.

TC/HĐGMVN = Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2007.

 

JB.BÙI NGỌC ĐIỆP

Mục lục

 

THIÊN-CHÚA-Ở-CÙNG-CHÚNG-TA

 

Một ngày kia, đám yêu tinh họp nhau lại để tìm cách phá hoại cuộc sống của loài người. Con đầu đàn lên tiếng: “Ta sẽ trọng thưởng cho đứa nào đánh cắp hạnh phúc của con người và tìm được một chỗ giấu mà không ai tìm ra được. Các ngươi tính sao?”.

Một con lên tiếng: “Hãy đem hạnh phúc giấu trên đỉnh núi cao nhất trên Trái đất này, chắc con người sẽ không thể tìm ra”. Con đầu đàn lắc  đầu : “Rồi cũng sẽ có ngày họ chinh phục đỉnh núi cao nhất ấy”.

“Vậy hãy giấu dưới đáy đại dương sâu thẳm …”, con khác nói.

“Với những phương tiện ngày càng hiện đại, chẳng mấy chốc họ cũng thám hiểm đến đáy đại dương sâu thẳm”, con đầu đàn lắc đầu.

 “Hay ta giấu ở một hành tinh khác vậy”, một tiểu yêu đề nghị.

“Làm vậy chẳng giấu được họ, vì họ đang tìm cách khám phá vũ trụ và các hành tinh khác”, con đầu đàn ngao ngán trả lời.

“Này này …, một nữ yêu tinh chậm rãi nói, người ta tìm kiếm hạnh phúc khắp mọi nơi; nhìn thấy hạnh phúc nơi người khác nhưng thường không thấy hạnh phúc chính ở bản thân mình. Vậy ta hãy giấu hạnh phúc trong chính cuộc sống họ, họ sẽ chẳng tìm thấy được đâu  ...”.

Cả đám yêu tinh reo lên và quyết định làm theo lời đề nghị trên.

Thiên Chúa dựng nên con người để được hạnh phúc, chứ đâu phải để chịu đau khổ, nhưng hoạ hiếm mới có người thấy đời mình được hạnh phúc, trong khi đó chẳng khó tìm được những lời than thân trách phận, nghĩ rằng mình ‘sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu’ mà quên rằng Thiên Chúa là hạnh phúc được ghi sẵn trong lòng mỗi người từ thuở ban đầu : “Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Tv 63,2)

Trong ngôn ngữ dân gian, hạnh phúc thường được diễn tả bằng tình yêu gia đình; trong mạc khải, hạnh phúc thật cũng thường được diễn tả bằng hình ảnh tình yêu đôi lứa trong tiệc cưới Nước Trời, và thật gần gũi với cuộc sống của mỗi người là gia đình Nazarét với những nhu cầu của thể xác và tâm hồn, những thử thách của cuộc đời tại thế.

Tình yêu lứa đôi là một mái ấm nâng đỡ và thăng hoa con người nhưng “tình yêu hôn nhân rất thường bị hoen ố vì lòng ích kỷ, khoái lạc chủ nghĩa và những lạm dụng bất hợp pháp cản trở sự sinh sản. Ngoài ra, các hoàn cảnh hiện tại về kinh tế, xã hội, tâm lý và chính trị đang gây cho gia đình những xáo trộn trầm trọng” (GS 47,2)

Căn nguyên của các xáo trộn trong đời sống gia đình và hành trình tìm kiếm hạnh phúc của nhân loại là sự vắng bóng Thiên Chúa : Trong mùa Giáng sinh ngày nay, nhiều cửa hiệu đã thay ‘Merry Christmas’ bằng ‘Happy Holidays’, nhẹ nhàng đặt Đức Kitô bên lề đường tìm kiếm hạnh phúc của họ, quên rằng điều kỳ diệu của mùa Giáng sinh là cả vũ trụ trở nên một gia đình lớn chia sẻ một niềm vui với Thánh Gia, niềm vui có Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Mt 1,23)

Một hoạ sĩ suốt đời ước mơ vẽ một bức tranh đẹp nhất trần gian. Ông đến hỏi vị giáo sĩ về điều đẹp nhất. Vị giáo sĩ trả lời : “Tôi nghĩ điều đẹp nhất trần gian là niềm tin vì niềm tin nâng cao giá trị con người”.

Hoạ sĩ cũng đặt câu hỏi tương tự với cô gái và được trả lời : “Tình yêu là điều đẹp nhất trần gian, bởi tình yêu làm cho cay đắng trở nên ngọt ngào, mang đến nụ cười cho kẻ khóc than, làm cho điều bé nhỏ trở nên cao trọng, cuộc sống nhàm chán biết bao nếu không có tình yêu”.

Cuối cùng hoạ sĩ gặp một người lính mới về từ trận mạc. Được hỏi, người lính trả lời: “Hoà bình là cái đẹp nhất trần gian, ở đâu có hoà bình là ở đó có cái đẹp”. Và hoạ sĩ đã tự hỏi mình: “Làm sao tôi có thể vẽ cùng lúc niềm tin, hoà bình và tình yêu ?...”

Khi trở về nhà, ông nhận ra niềm tin trong ánh mắt các con, tình yêu trong cái hôn của người vợ. Chính những điều đó làm tâm hồn ông ngập tràn hạnh phúc và bình an. Hoạ sĩ đã hiểu thế nào là điều đẹp nhất trần gian. Sau khi hoàn thành tác phẩm, ông đặt tên cho nó là “Gia đình”.

Gia đình Nazaret là một tuyệt tác của tình yêu Thiên Chúa! Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta hiện diện trong một gia đình, để ai cũng có thể cảm nhận được sự chăm sóc đầy tình yêu của Chúa : “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”; và biết được phải đáp trả như thế nào : “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,1.18)

Như trong một gia đình, Thiên Chúa đến ở cùng mọi người. Tôi có coi Chúa như một người thân không thể vắng trong gia đình tôi? Tôi có thể coi mỗi người trong gia đình như là chính Chúa đang ở với tôi?

Lm. HK  

Mục lục

 

TÌNH YÊU

(Ga 1, 1-18)

 

Thời gian này, thời gian thuận tiện để nói về tình yêu. Nói đến tình yêu là nói đến Giáng sinh, và ngược lại nói đến lễ Giáng sinh là nói đến tình yêu. Giáng sinh không có nếu không có tình yêu- tinh thần của lễ Giáng sinh. Tinh thần ấy bắt nguồn từ câu Kinh thánh quen thuộc : “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban con một mình cho nhân loại” (Ga 3,16). Đấng Emmanuel đã  trở thành người và ở giữa chúng ta. Có rất nhiều khuôn mặt của tình yêu :

 

Tình yêu thì hiền hậu, nhẫn nhục, từ tâm, trung tín.

Tình yêu là yêu thương và phục vụ.

Tình yêu không ghen tương, không khoe khoang.

Tình yêu không kiêu căng, không khiếm nhã.

Tình yêu không tìm tư lợi, không nóng giận.

Tình yêu không nghĩ điều xấu, không vui mừng trước những bất công.

Tình yêu vui mừng khi nhìn thấy chân lý.

Tình yêu tin tưởng và hy vọng.

Tình yêu chịu đựng và tha thứ tất cả.

Hôm nay, Tin Mừng cho chúng ta biết ý nghĩa và chân lý đích thực của tình yêu.

 

Yêu là từ bỏ thân phận

Khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ của mình. Ngài chấp nhận huỷ mình đi, thư thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Philipphê cho biết : “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống con người, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).

 

Nhập thể của Ngài, được diễn tả trong bài Tin Mừng hôm nay là : “Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta”, nghĩa là Thiên Chúa mang lấy thân xác con người. Ngài chia sẻ tất cả nhân tính của con người, để qua đó, chúng ta được tham dự, được chia sẻ thần tính của Ngài. Thiên Chúa có thể tỏ mình ra cho con người hiểu và thấy bằng cách khác. Nhưng không, Thiên Chúa “làm người”, như vậy, mắt loài người mới trông thấy được, tay loài người mới chạm tới được, trí khôn con người mới có thể hiểu, nhận biết và cảm nhận sự vui mừng và sung sướng, như thánh Gioan diễn tả : “từ khởi đầu, điều chính tay chúng ta chạm đến, đó là sự sống, sự sống đã xuất hiện” (1Ga 1, 1-2).

 

Yêu là để vì

 

Ngài không như các diễn viên trên sân khấu, chỉ đóng vai. Nhưng Ngài chia sẻ thực sự thân phận con người. Ngài cũng đã phải trải qua những bước tăng trưởng chậm chạp, theo tiến trình của thời gian. Ngài giống như mọi người : cũng phải học đứng, học đi; học đọc học viết; Rồi cũng phải nếm mùi đau khổ, bệnh tật, cũng như hưởng được niềm vui, sự ngọt ngào của cuộc sống. Ngài  đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến với trái tim con người. Sáng kiến yêu thương con người của Thiên Chúa bằng hành động Ngôi hai Nhập Thể như vậy là “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”.

Sáng kiến trở nên giống con người là cách tuyệt vời nhất để tiếp cận, để gần gũi con người, nhờ vậy, con người nhận ra Thiên Chúa, nhận ra “tính Chúa” trong mình. Mục đích của Thiên Chúa làm người để con người trở thành chúa. Chúa trong Chúa.

 

Quả thật, không ai yêu thương con người cho bằng Thiên Chúa. Không ai say mê con người đến cuồng si bằng Thiên Chúa. Và cũng không ai dám hy sinh tính mạng con yêu dấu của mình cho bằng Thiên Chúa.

 

Yêu là tìm kiếm

 

Con Thiên Chúa nhập thể rồi nhập thế để tìm kiếm, làm bạn và cứu vớt con người, đó là ước muốn và khát vọng của Ngài. Có thể nói, suốt đời Ngài gói gọn trong hai chữ “tìm kiếm”. Vâng tìm kiếm con người.

 

Ta cũng vậy. Vì yêu Thiên Chúa, vì yêu sự thật nên con người luôn khát khao và không ngừng tìm hiểu: tìm hiểu về vũ trụ, về thiên nhiên, và đặc biệt, con người ngày nay chú tâm nghiên cứu về chính mình.

 

Càng tìm hiểu, ta càng nhận thấy có “tính Chúa” trong mình. Cho nên bất cứ ai, người nghèo đến người giàu, người thường dân lẫn người quyền quý, người dốt nát đến người trí thức, người khoẻ mạnh đến người yếu đuối, bệnh tật, khuyết tật, càng nhiệt tâm tìm kiếm sự thật, tìm kiếm sự thánh thiện, thì càng cảm nhận được Thiên Chúa thực sự giống và gắn bó với mình. Vì Thiên Chúa tự bản chất là thánh thiện, là tuyệt mỹ, nên càng lành thánh bao nhiêu, ta càng cảm thấy giống Chúa nhiều bấy nhiêu. Chúa trong Chúa.

 

Giống Chúa, ta dễ dàng nhận ra đâu là sự thật, đâu là sự dữ, đâu là nguyên nhân phá vỡ sự liên hệ giữa thụ tạo với Đấng Sáng Tạo. Ma quỷ, chính là nguyên nhân tạo nên sự chia rẽ giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người, giữa con người với Thiên Chúa. Bóng tối và ánh sáng không hoà

chung với nhau. Có ánh sáng, bóng tối bị đẩy lui. Chúa nhập thể, mang ánh sáng vĩnh cửu cho con người. “Ánh sáng đã đến trong thế gian”. Đây, một Hài nhi bé nhỏ.

 

Câu truyện minh hoạ

 

Để chuẩn bị cho ngày lễ Chúa Giáng Sinh, một cha xứ nọ, kêu gọi giáo dân làm hang đá, một nhóm người xung phong nhận việc này. Ngày Giáng Sinh đến, cha sở đến xem đẹp xấu thế nào thì, thật thất vọng, Ngài la lớn tiếng vì Chúa Hài Đồng không lành lặn như mình nghĩ, Chúa Hài Đồng không đẹp như mình tưởng. Thay vào đó là một Giêsu với vẻ bề ngoài xấu xí, yếu ớt, khuyết tật, phong cùi.

 

Với Ngài, làm như vậy là xúc phạm đến Chúa Hài Đồng. Được hỏi lý do tại sao thì, thưa Cha, một người nói : con thấy Chúa giống con quá, con xấu xí không bằng người khác.

 

Người khác nói; Thưa Cha, con thấy Chúa gần gũi với con lắm, dù con là người khuyết tật.

Người nữa lại nói : Ôi, con không thể, thưa cha, không thể tả khác được, vì Chúa Hài Đồng rất thân thiện với con. Ngài quý con lắm, bạn thân của con đó.

 

Vâng, quan niệm của con người, xưa cũng như nay, Thiên Chúa phải đẹp, phải khoẻ mạnh, có sức mạnh, có tiền, có lãnh thổ, có quyền lực, có binh lính… Khác và rất khác, Thiên Chúa muốn gần gũi, muốn chia sẻ, nâng đỡ ủi an con người, Ngài đã dùng cách mà không ai ngờ hay tưởng tới : trở nên giống con người hoàn toàn như ta.

 

Tâm tình với Chúa Hài đồng

 

Nhìn vào trẻ thơ Hài Đồng, ta nhận ra 2 điều : tự nhiên và siêu nhiên.

 

Hài nhi bé nhỏ đang giang đôi tay bé nhỏ, trong một thân xác bé nhỏ đơn sơ. Ngài đang cần một chút chăm sóc quan tâm, cần một chút hơi ấm, cần một chút tình người. “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ” (Tv 131,2). Hài nhi đang xoè đôi tay, con người hỡi, hãy rộng tay, hãy mở lòng cho hài nhi xin một chút tình. Một ly nước, một ly sữa, một chút gạo, một viên thuốc, một tấm áo. Tất cả, chút tình ấy sẽ cứu được Thiên Chúa - Đấng ban cho ta tất cả là tình yêu, là sự sống thì giờ đây phải chìa tay ra đi gõ cửa từng nhà, từng người để xin một chút bố thí.

 

Xuyên qua cái nhìn trần thế ấy, ta nhận ra rằng Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu luôn chia sẻ và trao ban. Đôi tay Ngài luôn rộng mở, cánh tay Ngài giang mãi, như người gieo giống, gieo hạt giống trên vệ đường, trong bụi gai, gieo một cách hào phóng. Ngài hào phóng đến nỗi cho đi cả mạng sống, để đổi lấy tình yêu, cứu chuộc con người.

 

Rồi, cánh tay Ngài, ta nhìn xem, nơi thập giá kia, cánh tay Ngài giang mãi. Ngài vẫn tiếp tục phát ban phát muôn ơn lành, cho mọi người, mọi thời, mọi nơi. Vì vậy, bất cứ ai cũng đều có thể nhận ra được là Thiên Chúa giống và gần gũi với con người.

 

Thanh Thanh

Mục lục

 

TÀI LIỆU THƯỜNG HUẤN LINH MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT 2007

 

TÌM HIỂU VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ TẬP TỤC MA CHAY CỦA

NGƯỜI CHURU Ở ĐƠN DƯƠNG – LÂM ĐỒNG

 

Cộng đồng người Churu, đang sinh sống và làm ăn tại hai vùng chính mà trước đây người ta thường gọi là Quận Dran và Quận Đức Trọng. Nhưng họ chỉ sống và ở những nơi chạy dọc theo dòng 77chảy của sông Đa Nhim thuộc khu vực phía nam của con sông, gọi là Nam Sông tiếp giáp với tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, sống theo cụm dân cư thành thôn ấp, có chung ngôn ngữ chính là tiếng Churu. Bắt đầu rải ra từ Huyện Đơn Dương thuộc các thôn Diom A, Diom B, B’Kăn, Kađô, Pró, Mađanh... Ở Huyện Đức Trọng có các thôn : Pré, Tain, Lơwang, Xóp, MơAm, Ma bó, KơJong, Chrang... Tiếng nói thuộc ngữ hệ Malayo Polinesian, theo chế độ mẫu hệ. Dân số khoảng 15.000 người, sinh sống bằng nghề nông nghiệp và chăn nuôi. Chủ yếu bằng cây lúa nước, gieo sạ trên các thửa đất bằng, làm nương rẫy trên đất bằng, đất đồi, chỉ có ít trường hợp phát rừng làm rẫy.

Về tín ngưỡng, có thể nói người Churu cũng thuộc sắc tộc đa thần, vì đời sống tâm linh, họ tin vào và tôn thờ các vị thần linh : rừng, núi sông nước, đất... và thờ cúng ông bà tổ tiên, gọi chung là (Duh Yàng – tơlàng atơu). Họ quan niệm rằng cư dân sinh sống được yên ổn và tồn tại là nhờ có các vị thần phù hộ, nên phải biết tạ ơn các vị thần bằng các hình thái cúng giỗ qua các lễ hội theo tập tục. Trong đó có tập tục ma chay, tôn thờ linh hồn người đã khuất vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Tập tục ma chay dân tộc Churu có ba mốc kỳ hạn chính : Mơtai, kloh tơjuh và Pơthi (chết, giáp tuần hay kỳ hạn bảy, bỏ mả hoặc mãn tang)

I.          MỘT SỐ NGHI THỨC CƠ BẢN

            TRONG TANG TỤC NGƯỜI CHURU.

Khi có một người qua đời mà tiếng Churu gọi là m’tai. Theo quan niệm, họ cho rằng có linh hồn rời khỏi phần xác và đi vào sinh sống ở thế giới bên kia gọi là rơlồng atơu (cõi âm phủ). Đến một lúc nào đó sẽ đầu thai (yoă yồn) đi vào kiếp sống khác : có thể là trở về với thế giới con người hoặc là thế giới con vật. Khi có một người m’tai, thì các nghi thức ma chay luôn được diễn ra theo tiến trình của nó như : hấp hối – tắt thở (chết) – báo tử – liệm xác – tiễn biệt lần cuối – lễ an táng – tiễn đưa tới nhà mồ – thăm mộ.

1. Hấp hối : pui soằn thì có Tục “Le ia”

Khi hấp hối – sắp tắt thở, hay trút hơi thở cuối cùng : họ tiến hành đỗ nước lã trong cái bát có đựng chiếc nhẫn, rồi dùng chùm ngón tay chấm nước để nhỏ giọt xuống miệng và vừa đếm từ 1 đến 7. Đến giọt thứ 7, người nhỏ giọt lẫm bẩm vài lời cầu xin với người sắp chết cần mọi sự tha thứ, hoặc người sắp chết cần sự tha thứ của người thân và những người khác mà họ cảm thấy đã xúc phạm, hiểu lầm, thiếu sót, va chạm, tiếng qua tiếng lại với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Chính sự tha thứ đó sẽ đem cho họ được sự bình an và không còn có một hối hận gì gọi là “tơyoh ia toh glài tồ nau jơlàn siàm” nghĩa là giọt nước tha thứ, để lên đường bình an.

Dụng nghĩa : đó là ân huệ cuối cùng cần có đối với người qua đời…

2. M’tai, lơhiă (chết) :

Khi mới chết, họ lấy nước rửa mặt mũi, thân thể và tay chân. Bao nhiêu quần áo mới – cũ của người đã khuất mà lúc đang còn sống đã dùng hay bộ nào chưa dùng, đều cho mặc hết vào người. Trải chiếu và đặt nằm xuống, sửa thi hài nằm ngay ngắn, lấy khăn Chăm (khăn trắng có hoa văn) đắp lên người. Đắp nhiều hay ít tùy thuộc người giàu hay nghèo.

Cũng có nơi, mới chết, họ lấy tám hòn than bếp đã nguội lạnh buộc vào dẻ đặt vào nách người chết. Nách bên kia đặt một túi cơm (bơlơ) : có trứng gà, có một con gà con, có cơm. Người ta quan niệm và tin rằng : những hòn than là ánh sáng chỉ đường cho người đã khuất trở về với ông bà tổ tiên.

3. Chơu sơgơr (trống báo tử) :

Theo lẽ thường, khi có một người trong làng vừa mới qua đời, thì già làng lập tức đánh hai tiếng trống liên hồi làm tín hiệu thông báo cho bà con trong làng biết rằng : trong làng có người vừa mới chết. Tiếng trống đó gọi là trống báo tử (sơgơr pơthơu hu m’muih m’tai)

Sau đó, tang gia cắt cử người đi đến từng gia đình. Bắt đầu từ các gia đình gần nhất, rồi tới các gia đình xa ở đầu làng cuối làng. Theo tục lệ của người thượng, đặc biệt là với người Churu, dù chuyện vui hay buồn đều phải làm như thế. Vì nếu không đi báo đến tận từng nhà như vậy, thì ngay cả các gia đình gần bên cạnh nằm ngay sát nách, họ chẳng đến viếng và chia buồn, huống chi là các gia đình ở xa. Kế đó, họ lại cử người (thường là người có uy tín, biết đường biết lối, biết làng, biết nhà, biết người, biết ăn biết nói) đi đến báo cho các làng láng giềng xa – gần mà tang gia, cũng như người qua đời đã từng có mối tương giao với nhau hay có liên hệ ruột thịt, bà con họ hàng, dòng tộc, bạn bè thân hữu... cùng biết mà đến để phúng viếng và chia buồn với tang gia.

Khi đến chia buồn, những thứ mang để phúng viếng thường là tiền, khăn chăm, gạo, mắm, muối, gà, vịt, heo, dê, ché rượu cần to, nhỏ... tùy theo mức độ quan hệ, vai vế, xa gần, hoặc cả chức vụ, địa vị trong xã hội...

4. Pò atơu (liệm xác) :

Pò atơu được tiến hành một cách đơn giản, cho mặc quần áo mới, váy mới, tùy theo đối tượng là nam hay nữ. Rồi phủ thêm các lớp khăn lên trên người chết, có lót ít tấm khăn ở dưới và lớp tận cùng là tấm chiếu được đan bằng cói... rồi đặt thi hài xuống quan tài. Liệm xác thường được cử hành vào lúc 19g hay 20g tối, vì đó là thời gian thích hợp nhất : bà con họ hàng, xóm làng đi làm về kịp và có thể tham dự được phần nghi thức này.

 

 

Lơsơi pâm

- Kẹp bị cơm, thịt gà chín nguyên con vào nách người chết gọi là lơsơi pâm. Dụng nghĩa rằng người chết qua thế giới bên kia cần dùng, phòng khi đói trong thời gian chờ làm thủ tục “xuất cảnh”.

- Phía trên người chết đạt cái vòm đỡ phủ khăn, nhằm giúp che lại toàn bộ thi hài. Trên cái vòm treo đầu, cánh, đuôi của con gà (bỏ phần thân) tạo hình con gà gọi là mơnu choh rơwai (gà mổ ruồi).

- Đến chiều tối ở hai bên các cửa chính nhà có người chết : dựng cây giáo treo hai dải khăn, để trừ ác quỷ (prơh kờm-m’lai phùt-phòn).

- Những người đến chia buồn, mang theo của phúng điếu : tấm khăn, quần áo, váy, tiền bạc, vòng, nhẫn, rượu, gạo, gà vịt… để cùng lo tang chế. Thể hiện tình làng nghĩa xóm và cả tính cộng đồng nữa. Có một số người ở lại cùng tang gia, đặc biệt bà con họ hàng ở xa, chờ đến khi chôn cất xong mới về. Bình thường, họ để xác trong nhà ba ngày hai đêm thì mới chôn cất. Điều này dẫn đến nhiều vấn đề khó khăn trong đời sống của bà con cũng như trong mục vụ :

·  Trong đời sống (môi trường hay môi sinh) : đây là thời gian vừa đủ làm cho thi thể bị phân hủy, chảy nước và có mùi. Theo tục lệ, bà con họ hàng thường ngồi xung quanh quan tài để túc trực, khóc than cả ngày lẫn đêm, kèm theo vấn đề ăn uống, nhậu nhẹt, say sưa xung quanh, ngay bên cạnh người chết. Đó là cách mà theo họ đã giải thích và cho rằng : để thực hiện đạo lý làm người, là hết tình nặng nghĩa của mình đối với người đã khuất. Nếu có ai tránh né, không dám túc trực theo kiểu đó, là người không có tình lớn không có nghĩa sâu, không có lòng hoặc không có bụng. Nhưng nói gì thì nói, đây là vấn đề đòi hỏi phải có sự hướng dẫn, giải thích cho rõ ràng và cụ thể, cương quyết và dứt khoát hầu mang lợi ích cho đời sống của họ. Nếu cứ theo quan niệm hay tục lệ đó, thì quả thực đời sống của họ không biết chừng mới phát triển được. “Sông có khúc người có lúc”, cái gì hay, tốt đẹp, có ý nghĩa và giá trị thiêng liêng, phù hợp với đời sống của con người trong mọi thời mọi nơi và mọi thời đại thì có thể lưu giữ được và đáng tôn trọng. Còn những gì không phù hợp vệ sinh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, có thể gây lây nhiễm, mất thời gian vô ích, tốn kém, gây ra tình trạng nợ nần, nghèo đói... hay những gì không phù hợp với đà tiến của khoa học, của đời sống xã hội con người đến lúc chúng ta cần phải loại bỏ dần và loại bỏ ngay.

·  Trong mục vụ : đây là vấn đề hết sức khó khăn trong việc cử hành các Nghi thức thánh, như : làm phép xác, đọc kinh cầu nguyện, đọc và nghe diễn giải Lời Chúa, hoặc đọc và nghe các bài suy niệm về ý nghĩa của sự chết. Đến việc cử hành Thánh lễ An Táng cũng vậy, hiện trường vẫn còn nguyên trạng : vẫn còn say xỉn, nằm ngủ ngỗn ngang xung quanh quan tài... Chưa chuẩn bị chỗ, bàn thờ để cử hành Thánh Lễ. Đó là những vấn nạn còn tồn tại từ lúc chưa có Đức tin Kitô giáo cho đến nay. Có lẽ thói quen xấu này, vì nó xảy ra thường xuyên : từ ngày tháng năm này tới ngày tháng năm khác, thành một cái nếp ăn sâu vào trong cuộc sống của họ và biến thành cái tục lệ. Và đã là tục lệ thì mọi người đều phải giữ, chính từ việc giữ đó nó được lưu truyền lại cho hậu sinh. Điều này đã làm cản trở và gây không ít khó khăn trong sự phát triển, nâng cao đời sống văn hóa, kinh tế, trình độ nhận thức và cả đời sống đức tin nữa.

Còn việc giữ tang hay để tang thì sao ? Hầu như họ không đeo tang thì phải.

Cách đeo tang hay để tang của người Churu thường được ẩn kín trong lòng, nên không được biểu lộ ra bên ngoài như là đeo khăn trắng, khăn vàng, khăn đen... của người Kinh hay người Tàu. Cách để tang của người Churu bằng việc dọn đồ ăn thức uống trên mâm đồng, rồi đặt bên cạnh người chết hoặc dọn và đặt dưới di ảnh của người đã khuất nếu trường hợp đã chôn cất xong. Họ nghĩ rằmg : vong hồn của người đã khuất vẫn còn lai vãng phẳng phất đâu đây, nên họ vừa dọn và bày ra thức ăn đồ uống trên mâm, vừa khóc và lẩm bẩm gọi tên người đã khuất, để mời đến dùng bữa.

Người Churu thường để tang theo ba giai đoạn : từ lúc vừa mới chết đến giáp tuần, tức là hết kỳ hạn bảy ngày người Churu gọi là kloh tơjuh. Sau đó từ ba tháng đến một năm hoặc đến ba năm. Khi đủ ba năm tròn sẽ lo việc pơthi, tức xây mộ họ gọi là mãn tang. Lúc này, họ bắt đầu chuẩn bị xây nhà mồ hoặc mộ.

Cách làm quan tài hay áo quan : Họ cắt cử một nhóm người vào rừng hạ thân cây tươi để làm quan tài (bòng atơu). Đoạn thân cây tươi sẽ được lấy theo đúng kích thước của người chết. Rồi dùng búa, rìu, nỏ và nêm để chẻ đôi thân cây ra làm hai. Tiếp theo là các thao tác: đục, chọc bọng nơi chính giữa thân cây tạo thành một lỗ sâu vừa đủ và đúng với kích thước của người chết để đạt thi hài. Hai tấm chẻ đạt úp lên nhau ôm lấy và bọc kín thi hài, đường khe chẻ được nhồi bằng cơm nếp làm keo để dáng dính chặt vào nhau. Nếu người chết là hạng người tôi tớ, tức người bậc thấp, thì quan tài của họ chỉ là bằng tre nứa, được đan thành bốn tấm và được rắp nối lại nhau thành một quan tài thay cho hòm gỗ (pă rơtay).

Phân chia của cải cho người đã khuất :

-       Tục lệ chia của cho người chết : vì quan niệm rằng người chết đi, nhưng linh hồn vẫn còn sống và ở thế giới bên kia, nên cũng cần có của cải vật chất như người sống ở trần thế, như trâu, bò, chum, ché, tô, chén, vàng bạc, vòng cườm, nhẫn, ché rượu, gùi, giao, rựa, bát đĩa, thìa đũa... Riêng trâu bò được chia thì giết làm thịt, còn chum ché, tô bát đập cho bể hoặc đục cho thủng đáy để tránh trường hợp bị lấy cắp buôn bán ; vàng bạc làm cho móp méo và trầy xướt ; vòng cườm làm cho đứt... rồi chôn theo với người quá cố. Vì theo họ, có quan niệm cho rằng ở thế giới bên kia mọi sự sẽ ngược lại với thế giới mình đang sống. Nghĩa là mọi thứ còn tốt đối với người còn sống thì đối với đã chết là hư, không dùng được. Nên mọi thứ đem theo cho người đã khuất phải đập gãy bể, đục thủng và làm cho hư nát, móp méo (trong thế bên kia, thế giới của người đã khuất con vật gì giết chết là sống, đồ dùng hư là tốt).

-       Ngoài ra, cũng có quan niệm cho rằng : nếu mọi thứ vẫn còn tốt và đẹp mà đem đặt bên cạnh mộ, thì sẽ bị lấy (mất) cắp. Như vậy, người đã khuất sẽ không có cái gì để dùng ở thế giới bên kia. Người chết sẽ nguyền rủa những người thân trong gia đình của họ. Thế là người thân sẽ không có sự bình an, thanh thản… không những thế, mà còn sẽ gặp giáng họa như : ốm đau, bệnh tật, tai nạn, chuyện làm ăn sẽ gặp nhiều trắc trở, sẽ không được ăn nên làm ra của cải, nợ nần chồng chất, tiền mất tật mang, tan cửa nát nhà...

-       Của chia cho người chết tùy thuộc vào hoàn cảnh của gia đình giàu hay nghèo, và phù hợp với đối tượng nam hay nữ. Nếu người đã khuất là người lớn thuộc gia đình khá giả và có địa vị trong xã hội, thì sẽ được chia của nhiều hơn.

-       Hình thức chia trâu và cúng cơm : con trâu được trói lại vào một cây cột thật vững, người làm nhiệm vụ cúng tế đỗ bã rượu cần vừa mới khui lên đầu trâu, rồi lẩm bẩm vài câu thần chú hay cầu khấn gì đó. Sau đó tiến hành công việc ngã trâu (cắt cổ) ở nơi thường có tổ chức lễ hội đâm trâu. Công việc này, họ thường dùng gươm hay giáo để đâm rồi mổ làm thịt, phục vụ cho đám tang. Đây cũng là hình thức chia phần và gởi đi cho người đã khuất, vì đó là phần của người đã khuất, nên phải trao gởi cho họ.

-       Phần cúng cơm : sau khi thịt trâu đã được nấu – nướng chín rồi, người ta chỉ lấy các bộ phận: óc, mắt, mũi, lưỡi, tim, gan, phổi, dồi và bát cơm, bát nước, chai rượu. Đặt tất cả những thứ đó vào trong mâm đồng để cúng. Trong mâm cúng được chia làm hai khẩu phần : khẩu phần dành cho thần quản ma và khẩu phần dành cho người chết.

-       Nhạc Tang : dùng chiêng bằng bộ ba, koòng bộ sáu (poh sar Dờt), sáo tiêu 3 – 4 lỗ dùng để thổi điệu khóc thương (hia cho), chà vành tô (ua jơlu), trống, kèn bầu.

-       Trực canh xác chết. Để có thể cùng nhau thức đêm trực canh xác, người ta thường dùng súng nước làm bằng ống tre giống như cây kim chích để sịt nước, nhằm đánh thức mọi người cùng thức qua đêm. Việc trực để canh xác có lý do của nó :

+                    Lý do thứ nhất, lúc trời về đêm là thời điểm cọp hay xuống núi và vào các buôn làng. Vì các buôn làng thường là ở trong rừng núi sâu, nên cọp hay đến. Do đó, phải trực canh giữ xác sợ cọp lấy xác ăn thịt.

+                    Lý do thứ hai, vì muốn gần gũi người đã khuất lần cuối, đồng thời muốn thể hiện tình cảm thân thương, gắn bó mật thiết trong cộng đồng của người Churu.

5. Tiễn biệt lần cuối :

Vào buổi cuối cùng trước lúc tiễn đưa ra nghĩa địa (an táng) : họ làm một con vịt, khui một ché rượu để cúng tiễn. Những người nào có cùng trực hệ, phải đến vái lạy và cầu an với người chết. Vì họ quan niệm rằng người chết phải qua cửa khẩu là một con sông phân cách giữa hai thế giới của người sống và người chết, thì mới đi vào nước Diêm vương. Trong khi qua sông phân cách đó phải đi bằng ghe, hoặc đò hay thuyền, để được lướt nhẹ như vịt bơi lội dễ dàng với bàn chân dẹt.

Trong quãng đường đưa đi an táng đến nhà mồ, đều có địa điểm phải dừng để nghỉ gọi là lơnưh dơng brò gơdoh (điểm đập gàu bầu). Thường là bà con họ hàng đi trước, tiếp theo là quan tài. Sau quan tài là những người thân. Nhưng lại có lúc, đi trước quan tài gồm khoảng chục người, rồi đến quan tài, kế quan tài là những người thân và sau đó là những người bà con hàng xóm. Họ vừa đi vừa tạt nước – ném bùn vào nhau bất chấp già hay trẻ, nam hay nữ. Theo họ, đó là cách xua đuổi ma quỉ và các tà thần. Khi đi đến nơi dừng, nơi để đập gàu bầu thì họ dừng lại, mở nấp quan tài ra để kiểm tra và sửa lại cái đầu cho ngay ngắn, rửa mặt cho người chết. Rồi sau đó, đậy và đóng nấp quan tài lại cho thật chặt. Cái gàu bầu đựng nước rửa mặt cũng được đập bể, đặt ở phía chân quan tài và tiếp tục di chuyển đến nhà mồ.

Trên đường từ nhà đến nhà mồ có tục Chuàng pơtar (bước qua chiếc gối). Việc này dành cho người vợ hay chồng. Thứ đến, là cử một người leo lên quan tài. Dĩ nhiên, nhóm người có nhiệm vụ khiêng quan tài đông thời cũng khiêng cả người nói trên. Người được cử lên quan tài có nhiệm vụ quan sát và chứng giám việc ai vi phạm tái giá trước thời gian chịu tang (chồng hoặc vợ). Suốt đoạn đường này, họ dùng nhạc tang đánh chiêng chiếc, theo điệu Dờt. Trước khi hạ huyệt, họ thường mở nắp quan tài để nhìn mặt người thân đã khuất lần cuối, đồng thời họ cũng sắp xếp lại thi hài cho ngay ngắn và họ nói vài câu với người đã khuất, để bày tỏ sự kính trọng, quan tâm, yêu thương chăm sóc tận tình, chu đáo...

6. Hình thức và nơi chôn cất :

Người chết được chôn cất trong một nhà mồ chôn tập thể có mái che bằng lá tranh, huyệt mộ chôn chồng chất lên nhau, có thay đổi vị trí huyệt đào cho một người chết, không nằm ngoài khuôn viên nhà mồ hình vuông, có diện tích khoảng trên dưới 16 mét. Người có vị thế, tức là có vai vế lớn – cao như ông bà – cha mẹ, thì sẽ đào huyệt chôn ở về phía mặt trời mọc. Hai bên hông dành cho con cháu, người tôi tớ thì đào huyệt chôn nằm về phía mặt trời lặn.

Chôn cất xong, tức là khi vừa đắp đất trên huyệt thành một ngôi mộ xong. Người vợ hay người thân, họ lấy một cái khăn chăm màu trắng trải phủ xuống trên phần mộ. Sau đó, cầm hai đầu khăn và phần kia thả xuống cho chạm đất. Kéo khăn đi vòng quanh ngôi mộ bảy vòng theo chiều ngược kim đồng, rồi đem khăn đó về nhà cất trên bàn thờ, đặt dưới di ảnh của người đã khuất. Nhưng trước khi hạ quan tài xuống huyệt, lại thấy họ chỉ lấy khăn chăm màu trắng phủ lên trên quan tài và nói vài câu gì đó, cụ thể như: ông (bà), anh (chị), hoặc con ơi ! Đây là nơi, là nhà ở, chúc ở lại bình yên, hẹn có ngày sum họp, và xin hãy nhớ về nhà, về với gia đình và phù hộ cho gia đình... Làm như thế, vì họ quan niệm rằng để cho gơnuh rơsi tức vong hồn của người đã quá cố luôn ở bên cạnh họ, để phù hộ cho họ.

Khi đoàn người tiễn đưa người chết đến nơi an nghỉ cuối cùng đã hoàn tất, tức là đã chôn cất xong. Họ bắt đầu trở về nhà, người đầu tiên trong đoàn lúc vừa về đến trước cổng và cửa nhà, sẽ bị người trong nhà đang đứng đợi trước cổng hay cửa nhà tạt và xối nước, tung tro bếp để xua đuổi những điều không lành, đuổi xua những rủi ro – xui xẻo... ra khỏi gia đình của họ.

7. Thăm mộ :

Việc thăm mộ là điều phải có. Nó giống như là việc đi thăm con cái lâu ngày xa nhà, đi thăm để làm vơi đi nỗi nhớ thương da diết, canh cánh trong lòng... Khi đi thăm họ mang theo cả thức ăn đồ uống, quà cắp, một bó nhang, một vài cây nến để đốt và bái... Cuộc viếng thăm này như là đi thăm người còn sống vậy. Điều đó nói lên tình yêu thương gắn bó mật thiết giữa người còn sống với người đã khuất. Đây là cách biểu lộ tình cảm thân thương rất tự nhiên và bình thường như những các dân tộc khác mà thôi. Không có gì là lạ cả. Có khác là ở chỗ hình thức, thay vì mang theo đồ ăn thức uống họ chỉ cầm bó nhang, vài cây nến để đốt, vái lạy hay để đọc kinh cầu nguyện. Thăm mộ được tiến hành bắt đầu vào sáng ngày hôm sau cho tới ngày giáp tuần (hết kỳ hạn bảy ngày gọi là kloh tơjuh).

II. Kloh tơjuh :

Giỗ kỳ hạn bảy ngày (giáp tuần được tính từ ngày chết hay ngày chôn cất đến ngày tiếp sau đó, đủ bảy ngày hoặc được một tuần gọi là kloh tơjuh). Trong ngày này, gia đình tổ chức cúng giỗ, vật sính lễ – cúng giỗ gồm : gà, vịt, heo… (từa tựa như ngày mở mả của dân tộc Kinh).

Các khẩu phần sau khi cúng giỗ đều mang đến mồ huyệt để cầu an. Sau ngày giỗ này, nếu là người vợ chết. Dòng họ vợ sẽ chuyển giao người chồng còn sống cho bên họ hàng chồng (dù còn trẻ hay đã già). Tức là để nói lên rằng : để giúp người chồng có quyền tự do để lựa chọn cho tương lai của mình. Nên họ hàng bên nhà vợ không còn có trách nhiệm gì nữa, nhưng họ vẫn chia của cải tài sản cho người chồng kém may mắn đó, cũng có kèm theo một con trâu, một con bò và một số đồ đạc thường dùng vừa đủ cho sinh hoạt và lao động kiếm sống hằng ngày. Còn phần lớn của cải tài sản, nhà cửa... để lại bên nhà họ bên vợ. Mục đích là dành lại cho con cái. Con cái của hai của vợ chồng để lại cho người thân bên vợ có trách nhiệm nuôi dưỡng và chăm sóc. Người chồng chịu tang sau một năm thì mới được phép tái giá lần hai. Hết thời gian chịu tang người còn sống được quyền tái giá là chuyện bình thường.

Nếu trường hợp chồng chết trước, vợ còn trẻ mà đã tái giá sớm trước ngày kloh tơjuh và chưa đủ trọn ba năm (ka bơng m’nhum pơthi akut atơu) thì phải bồi thường cho gia đình bên chồng là một con trâu hay một con bò và sẽ chịu vài hình phạt khác, người Churu gọi là mă mơdơu. Tái giá sớm như vậy đối với người Churu họ coi việc đó như là phạm tội ngoại tình. Nên người vợ phải chịu hình phạt và đền bù, bồi thường danh dự cho người chồng và gia đình bên chồng theo tục lệ ông bà để lại, người phán xử việc này vẫn là già làng, hay một vị đại diện có uy tín và thế giá... hình thức chịu phạt khi tái giá sớm theo tục lệ là phải làm thủ tục cúng giỗ tại nhà mồ để xin lỗi và xin phép với vong hồn người chết.

Trong trường hợp người chết thuộc diện đơn côi, không còn người thân và giòng họ (mất gốc). Dân làng sẽ cùng gánh vác việc lo tang. Sau kỳ hạn bảy ngày, nhà cửa của người chết sẽ phải tháo bỏ, của cải vật chất dân làng mang đi bỏ ở nơi có cây đa cổ thụ xa làng. Ruộng đất sở hữu của người chết sẽ bị bỏ hoang và không một ai dám canh tác, vì theo họ, có quan niệm cho rằng ai sử dụng sẽ bị chết dần chết mòn (do ảnh hưởng nặng nề về chuyện mê tín dị đoan).

Nếu có gia súc gia cầm thì được giết làm thịt trong ngày chết hoặc trong ngày giáp tuần kloh tơjuh. Trường hợp Chết do nguyên nhân bị tai nạn như : bị xe tông, chết đuối, do bị giết, trúng đạn… gọi là chết xấu “Mơtay Bơryang”, hoặc là chết dữ. Sau khi an táng đến ngày “kloh tơjuh” (kỳ hạn 7 ngày, giáp tuần) phải được “rào Bơryang” tức là rửa xui, xua đuổi sự xui xẻo ra khỏi gia đình, nếu không rào bơryang, rửa đuổi xui, giải xấu tháo dữ thì những người còn sống sau này cũng sẽ chết dữ, chất xấu như vậy. Rào bơryang, tức là rửa xui, giải xấu, tháo dữ bằng hình thức mời thầy cúng “chuyên” cúng rửa, cúng giải, cúng tháo những điều xui, dữ, xấu, ác như vậy họ gọi là sơwoăh bơryang, chữ sơwoăh có nghĩa là nhổ bỏ, tháo gỡ... Còn vật sính lễ để sơwoăh bơryang là con dê màu vàng hoặc hơi trắng để chuộc hồn người đã khuất hoặc giải cứu khỏi hồn họ tay ác thần. Nếu không được cúng giải, họ quan niệm sau này sẽ gặp những chuyện chẳng lành, người thân của họ sẽ gặp các rủi ro và chết tương tự như đã xảy ra.

III. PƠ THI

(Ngày cúng giỗ cuối cùng, còn gọi là giỗ “bỏ mả” hoặc trọn kiếp hay mãn tang)

Pơthi là kỳ hạn cuối cùng trong tang tục Churu. Pơthi là ngày cúng giỗ rất lớn (đại tiệc), vì là công việc sau cùng nên họ thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng và rất chu đáo : từ đồ ăn thức uống đến vật liệu xây mộ ; từ khâu tổ chức đến việc mời bà con họ hàng thân thuộc cũng như xa gần đến dự (bơng m’nhum pơthi akut atơu). Thời gian thích hợp nhất trong việc này, là sau mùa gặt. Đó là thời gian khoảng giữa tháng 12 Dương Lịch, hoặc vào những ngày trước và sau Tết Âm Lịch.

Nếu là pơthi người chồng chết (giỗ mãn tang)

Người vợ cùng với người thân, sẽ có trách nhiệm lo liệu việc pơthi. Trường hợp vợ cũng chết, sau thời gian đó thì con cháu và bên họ vợ phải lo liệu.

Trước ngày pơthi, phải mang của cải để dâng cho bên họ hàng nhà chồng. Của dâng gồm : sợi hạt cườm, nhẫn bạc, khăn chăm, tiền… cùng ché rượu cần để làm thủ tục dâng của, tục gọi là pồtơlàng atơu. Nếu gia đình bên chồng đồng ý, chấp thuận hay không còn gì vướng mắc thì sẽ tiến hành mở cửa mồ (mả).

1. Mở cửa mả : Mở cửa mả được tiến hành vào tối hôm trước, vì đến sáng hôm sau là tiến hành xây mồ.

2. Làm lễ mở cửa mồ : Làm lễ mở cửa mồ thường là một con heo, một gà và một vịt, một ché rượu cần đối với nhà giàu có ; nhà nghèo chỉ một con gà và một ché rượu cần nho nhỏ. Tối hôm làm lễ mở cửa mồ, họ dọn đồ ăn thức uống trên mâm đồng, đặt trên bàn thờ dưới di ảnh của người mất ; hoặc đặt trên chiếu đã trải xuống dưới nền (sàn) nhà cách gọn gàng và ngăn nắp, để sự tôn kính – hiếu thảo trước vong linh của người mất. Nhưng chiếc chiếu đó phải bằng cói và được đan dệt bởi bàn tay khéo léo của người Thượng, chứ không phải là chiếc chiếu mua ở ngoài chợ. Dọn và đặt xong rồi, họ bắt đầu khóc lóc và lẩm bẩm gọi tên người mất mời đến dùng bữa. Đêm hôm đó họ cũng có ăn uống gọi là bơng pơh akut atơu. Sáng hôm sau, ăn uống xong. Ông bơsềh (thầy cúng) cùng với gia đình đem đồ ăn thức uống dọn cho người chết đến nhà mồ, rồi sẽ tiến hành làm nhà mả.

3. Làm nhà mả : Người giàu hai năm hoặc ba năm buộc phải pơthi, người nghèo có thể là hai hay ba năm hoặc nhiều hơn nữa tùy hoàn cảnh gia đình, nhưng cũng phải làm khi nào có khả năng chứ không phải là thôi luôn, không lo gì nữa.

Đối với người Churu, việc xây được nhà mồ, nhà mả là cách biểu lộ trọn tình vẹn nghĩa đối với người thân đã khuất, là giữ chữ hiếu với tổ tiên, ông bà – cha mẹ, và đây cũng là cách để tỏ ra cho dân làng biết rằng mình cũng là người có hiếu, biết chu toàn bổn phận và tỏ ra mình cũng là người có của.

4. Ăn mừng nhà mả : bơng m’nhum pơthi atơu. Ăn mừng nhà mả của người Churu, thông thường họ mời bà con hàng xóm xung quanh đến tham dự gọi là Bơng M’nhum Pơthi Atơu. Trong đó : rượu cần gồm từ 10 ché đến 30 ché. Trâu hoặc bò từ ba con đến năm con, không tính gà vịt, heo, dê…

Nếu là nhà mồ tập thể hay là làm từng phần mộ, ví dụ hai mươi người lớn thì ngã 20 con trâu, tính từng đầu người. Ở Diom, ông Touneh Hàn Đăng đã cúng pơthi atơu và đã ngả 20 con trâu. Ơ K’răngchớ gia đình ông Ya Phan đã cúng pơthi atơu một lúc 18 con trâu.

Trước khi bắt tay vào công việc pơthi, thầy cúng làm nghi lễ cúng động thổ và thông tin với hồn người chết biết về việc pơthi, và sửa sang mồ mã cho mình. Khi công việc sửa sang mồ mã đã hoàn tất, thì ngày giỗ pơthi chính thức được bắt đầu : các họ hàng thông gia, được mời đến dự và phụ giúp mọi công việc trong ngày giỗ.

Vật sính lễ là một con trâu được trói cột cách chắc chắn, thầy cúng cầm chén bã rượu cần trút xuống đầu trâu, miệng cầu khấn gọi hồn người chết đến nhận vật sính lễ. Một đại diện người thân của người chết được mời cầm cái giáo thực hiện quyền đâm trâu (cho có lệ). Sau đó, cây giáo được chủ nhà chuộc lại bằng sợi hạt cườm hoặc bằng khoảng số tiền nhỏ đẻ hồi thu lại cây giáo.

Các khẩu phần, món cúng giỗ, sau khi đã làm chín, (giống hệt như các món cúng giỗ trong kỳ hạn bảy ngày, tức giáp tuần) thầy cúng đảm nhiệm nghi thức cúng giỗ. Các khẩu phần cúng dành cho hồn người chết, sau khi giỗ xong đều được mang đến tới mộ và gọi họ đến nhận khẩu phần của mình. Bên cạnh đó, cũng có việc cầu xin với vong linh của những người đã khuất cầu xin họ ban cho mọi người thân trong gia đình còn sống ở trần thế được bình an.

Trong lúc thầy cúng đang thực hiện nghi thức cúng giỗ, tang nhạc gồm cồng chiêng núm bộ ba, trống và kèn bầu, được đánh lên thành bản hợp xướng vang lên trong giai điệu hân hoan chào đón. Tất cả mọi người tham dự đều múa theo điệu múa tămya arya : vừa múa vừa reo hò và vừa uống rượu quanh vòng ngôi mộ vừa mới xây, biểu lộ niềm vui hân hoan, nhưng vẫn giữ nét sự uy nghi nghiêm trang trong nghi thức cúng giỗ pơthi.

Sau khi chu toàn nghi thức cúng giỗ pơthi xong. Những người tham dự ngày giỗ đó mới được phép dùng tiệc đám linh đình trong sự thân thiện, cởi mở sau một thời gian vất vả lo liệu công việc cúng giỗ. Do đó, buổi cúng giỗ pơthi đó được diễn ra khác với bầu không khí trong thời điểm có người chết ở hai giai đoạn đầu (m’tai lơhiă : chết ; kloh tơjuh : giáp tuần)

Giỗ pơthi, là kỳ hạn cuối cùng. Nó có ý nghĩa quan trọng hơn hết, vì đây là lúc họ cầu an với người đã khuất và cầu cho các vong hồn của những người đã chết được siêu thoát khỏi âm phủ (địa ngục), nhằm giúp họ được đầu thai trở về lại kiếp sống của thế giới con người. Sau khi hoàn tất công việc pơthi, tức là giỗ mãn tang. Nghĩa vụ hay bổn phận của họ đối với những người đã khuất coi như đã xong, sau này sẽ không còn vướng bận gì nữa.

Cuối ngày pơthi (giỗ mãn tang). Nếu pơthi là người chồng thì những người thân bên chồng sẽ được nhận của lễ cuối cùng từ những người thân bên vợ dâng. Của lễ đó thường là một đùi thịt trâu hay thịt bò, một ché rượu cần to có giá trị nhất trong các ché, một sợi hạt cườm dài từ cỗ đến lưng, một khoản tiền nho nhỏ để mang về nhà.

Khoảng cách thời gian pơthi thường được tính từ ngày chôn cất cho đến ba năm sau. Đủ ba năm tròn gia đình sẽ lo liệu việc pơthi, đó là trường hợp gia đình có đủ điều kiện vật chất. Trong trường hợp không có đủ điều kiện, thường thường họ tổ chức làm pơthi tập thể cùng một lúc trong một ngày.

Nếu là pơthi cho nhà mồ, tức là nhà cất táng người chết được sắp xếp chồng lên nhau, theo kiểu từng tầng từng lớp: chết trước xếp trước, chết sau được xếp sau. Chờ đến khi nào mọi sự phân hủy hết mùi hôi thối, thi hài hoai mục, xương rơi rụng xuống vào một cái hố được đào sẵn ở chính giữa dưới nhà mồ, thì lúc đó họ tiến hành công việc cải táng. Họ gom nhặt lại các phần xương, xếp gọn chung với nhau. Đào huyệt mới, chôn chung thành ngôi mộ tập thể. Sau đó, tiến hành xây cất.

Nếu là pơthi cho ngôi mộ, tức là cho từng người được chôn cất theo từng huyệt riêng biệt như hiện nay. Họ tiến hành xây cho từng ngôi mộ, rồi họ tiến hành pơthi. Mỗi lần tổ chức pơthi là mỗi lần các nhà mồ, các phần mộ sẽ được sửa sang lại làm cho mới và sạch sẽ.

Pơthi là kỳ hạn kết thúc công việc cúng giỗ cho một người đã khuất được gọi là giỗ mãn tang. Vì theo quan niệm cho rằng : sau lần pơthi đó, các vong hồn những người đã khuất sẽ được siêu thoát và tiếp tục sống trong đời sống mới, hạnh phúc hơn, thanh thoát hơn. Bởi thế, ngày lễ pơthi là ngày trọng đại nhất của người Churu. Ngày này họ mở tiệc ăn mừng rất lớn : ăn uống, ca hát, nhảy múa, vui vẻ (m’nhum-bơng, h’ri adoh, tămya arya, koòng chiêng, đồng la, kèn)... Không có ngày nào vui hơn ngày này.

Pơthi là ngày giỗ mãn tang đồng thời cũng là ngày kết thúc việc cúng giỗ. Người Churu gọi là bỏ giỗ mồ mã ông bà tổ tiên. Bỏ giỗ mồ mã không phải là bỏ quên mồ mã, nhưng vẫn còn có việc chăm sóc giữ gìn. Cho nên, hàng năm vào đầu mùa gặt hái hoặc vào đầu mùa khô, để phòng tránh trường hợp gây cháy. Họ thường dọn cỏ cây xung quanh các phần cho sạch sẽ.

Tập tục ma chay của người Churu trong thời hiện tại đã có những bước ngoặc thay đổi đáng kể, cả về hình thức lẫn nội dung. Từ khi có sự hiện diện của các nhà truyền giáo, niềm tin Kitô giáo đã du nhập vào, là dấu chỉ cho thấy hạt giống của Tin Mừng đã được gieo. Các nhà truyền giáo đã có nhiều cố gắng suy nghĩ, chuẩn bị, dọn đường cho Lời Chúa, cho Tin Mừng nhập thể vào thực tại của nền văn hóa người Thượng nói chung và cho người cho người Churu nói riêng. Hay nói một cách khác, các nhà truyền giáo đã làm cho Tin Mừng được nhập thể thực sự vào nền văn hóa của người Churu, và làm trở nên thân quen, gần gũi, trở thành cái hồn của người Churu đối với người Churu. Nhờ văn minh Kittô giáo được đưa vào (nhập thể) trong nền văn hóa của người Thượng, giúp nền văn hóa của người Thượng loại bỏ những tập tục lạc hậu không phù hợp với sự phát triển của thời đại, đồng thời bên cạnh đó cũng loại bỏ được phần nào những mê tín dị đoan không phù hợp với Đức tin Kitô giáo. Sự nhập thể của Tin Mừng, của niềm tin Kitô giáo loại bỏ được những hình ảnh sai lạc, những quan niệm cổ hủ... Nhưng cũng bảo tồn và phát huy được nền văn hóa của người Thượng, làm cho người Thượng tìm được và lấy lại cái hồn sống của mình, cái linh thiêng nhất của mình, là trở về với cái gốc gác và nguồn cuội của mình. Nhờ đó, họ sẽ tìm lại cái giá trị thiêng liêng cao cả, những nét đẹp kỳ diệu vốn đã có sẵn trong nền văn hóa của họ, và giúp họ có ý thức trách nhiệm, biết dùng chính khả năng của họ mà cố gắng làm sống lại nền văn hóa của chính họ. Khi họ làm được như thế thì chắc chắn nền văn hóa người Thượng được thăng hoa. Điều đó đã được thể hiện rõ nhất và cách cụ thể như : chữ viết, ngôn ngữ…, Nhà thờ Cam Ly phần nào đã tôn vinh nền văn hóa của người Thượng. Tất tất cả những cái hay, cái đẹp, cái tốt thể hiện qua những công trình kiến trúc, qua những tác phẩm văn chương và nghệ thuật, qua việc cử hành các Nghi thức Phụng Vụ Thánh, hay qua cái ăn, cái mặc và qua nếp sống hàng ngày.

Từ một nền văn hóa truyền khẩu đã phát huy thành nền văn hóa có chữ viết. Nhờ công trình chuyển dịch Thánh Kinh, Giáo Lý, Thánh Nhạc, Sách Lễ Rôma…

Từ một ngôn ngữ tưởng chừng như đã bị mai một, chết dần chết mòn, nay đã trở thành ngôn ngữ đang sống, đang hồi sinh...

Từ những tập tục rờm rà, lạc hậu, tốn kém, nay trở thành đơn giản và thích hợp với đà tiến của xã hội con người ngày nay.

Từ một vùng làng quê nghèo chưa biết hay chưa nhìn thấy một cái chữ nào, thậm chí cả việc không biết đọc biết viết, nay đã có nhiều người thuộc nhiều làng quê nghèo đã có nhìn thấy cái chữ, đã biết đọc biết viết, có bằng cấp, học vị cao và địa vị trong xã hội. Nhờ có sự hiểu biết này, đời sống bà con phần nào đã xóa được cảnh nghèo, xóa được nạn mù chữ, thoát được cái đói cái rách, xóa bớt dần cái tục lệ lạc hậu, cái quan niệm lệch lạc và ngay cả nạn mê tín dị đoan ; đồng thời cũng phần nào xóa bỏ được cái suy nghĩ sai lầm... và đã có khả năng để tiếp cận với nền văn minh của thế giới, thích nghi được với sự phát triển của xã hội con người về phương diện vật chất cũng như tinh thần.

Từ việc cất táng chung trong một nhà mồ, nay đã biết chôn cất theo từng phần mộ riêng biệt.

Từ một tín ngưỡng đa thần, nay đã là một tín ngưỡng độc thần. Dù rằng có rất nhiều dòng chảy (mương, suối, sông, kênh, rạch...) nhưng nguồn nước thì vẫn từ trên trời rơi xuống. Nguồn nước thì chảy qua các con suối, con sông, con kênh, con rạch... rồi tất cả cùng chảy về biển. Hơi nước bốc lên về trời, thế là trở về lại với nguồn gốc của mình.

Dù đã có sự thăng hoa về nền văn hóa nói chung và về tập tục tang ma nói riêng. Nhưng các nghi thức tang ma của người Churu xưa cũng như nay. Thực tế vẫn được cử hành cho từng vùng, từng miền tuy có khác nhau về chi tiết nhưng về phần cơ bản thì vẫn giống y hệt nhau.

Tập tục tang ma của người Churu trước thời kỳ chưa có niềm tin Kitô giáo có nhiều nghi thức rờm rà, lạc hậu, tốn kém tiền của, cũng như sức người, mất thời gian, không hợp vệ sinh...

Trước đây, có sự phân biệt giữa chủ – tớ, giữa giàu – nghèo, giữa địa vị cao – thấp trong xã hội. Cho nên, tầng lớp giàu sang có vị thế trong xã hội thì đám tang linh đình, tốn kém, rầm rà và phức tạp tương xứng với chức danh của họ. Và nơi an nghỉ cuối cùng của họ sẽ là nơi hướng về mặt trời mọc, để thể hiện người đã có nhiều uy quyền trong xã hội khi còn sống. Tầng lớp thấp nghèo, đám tang của họ chỉ diễn ra đơn sơ, ngắn gọn, ít tốn kém... nói chung mọi thứ được tổ chức phù hợp với hoàn cảnh sống của họ. Và nơi an nghỉ cuối cùng của họ là nơi hướng về mặt trời lặn, thể hiện thân phận thấp hèn, yếu thế. Nhưng nay, nhờ có công cuộc truyền giáo, loan báo Tin Mừng, Lời Chúa đã nhập thể, đã được gieo vào lòng của họ, họ đã đón nhận, đã thấm nhuần và đã sống khoảng 80 năm. Với chừng đó thời gian không dài cũng không ngắn, cũng đủ làm cho hố ngăn cách giữa chủ và tớ, giữa giàu và nghèo, giữa cao và thấp trong cộng đồng xã hội người Thượng phần nào đã san bằng dần.

Tập tục tang ma của người Churu cũng có phần liên quan đến đời sống hôn nhân gia đình : Nếu vợ chết chồng còn sống, thì người chồng sẽ trả giao về lại với gia đình bố mẹ, anh chị em ruột, họ hàng thân thuộc. Người chồng nào có số không cao hay kém may mắn, vợ chết trước (mất sớm) thì thật là bất hạnh cho người chồng đó. Đây là một điều không thể chấp nhận được, vì nó chẳng những gây ra nỗi bất hạnh cho người chồng mà còn gây ra nỗi bất hạnh cho con cái của họ nữa.

Nhạc tang trước thời kỳ niềm tin Kitô giáo thì được giữ gìn rất kỹ, được sử dụng rất phong phú và đa dạng. Nhưng ngày nay, vấn đề nhạc tang đã không còn đề cập tới và gìn giữ nữa.

Nhà mồ là nơi cất táng chung (nhà mồ tập thể), tiết kiệm đất đai nhưng không phù hợp trong vấn đề vệ sinh và môi trường (ảnh hưởng không tốt đến môi sinh)

Vì là tín ngưỡng đa thần, nên lại chìm đắm nặng nề về mê tín dị đoan. Ngay cả lúc đã là Kitô giáo, họ vẫn còn đi cúng thầy : nau juh gru – pơjơu. Trong trường hợp này dễ thấy nhất là khi gặp ốm đau, hoạn nạn, chết bởi trúng đạn, tai nạn xe cộ và chết đuối. Họ thường đến với các thầy cúng (gru – pơjơu), để xua đuổi tà ma, ác thần ; xả xui hay là rửa xui, hoặc là đuổi xui (rao – prơh bơryang) hoặc bỏ tháo cái xui (Sơwoăh bơryang).

Mê tín dị đoan, hay đi cúng thầy vẫn là căn bệnh nhức nhối triền miên từ xưa tới nay. Cho dù họ đã đón nhận Tin Mừng, đã có đức tin Kitô giáo, vẫn đi lễ, vẫn xưng tội và rước lễ, nói chung là vẫn giữ đạo. Đây là một trong những nguyên nhân làm kìm hãm lại sự phát triển đời sống xã hội, kinh tế, văn hóa và giáo dục : trí tuệ, đức tin, và con người trong cộng đồng người Thượng nói chung cũng như của người Churu nói riêng.

Tập tục tang ma sau thời kỳ đón nhận niềm tin Kitô giáo : Đây là thời kỳ văn minh của cộng đồng người Thượng. Nó được phát triển bởi sự soi sáng của Tin Mừng, của đức tin Kitô giáo. Nhờ vậy, tập tục tang ma của họ đã có sự biến chuyển theo đà tiến của nhân loại, phù hợp với niềm tin Kitô giáo. Phần nào đã làm giảm bớt sự tốn kém tiền của và sức người. Trình độ học vấn và nhận thức của họ ngày càng được nâng cao. Nên đã phần nào xóa bỏ được rất nhiều tập tục lạc hậu trong đó có tập tục tang ma.

Trong tập tục tang ma của người Churu, cũng đã nói lên nét văn hóa hay bản sắc riêng của họ. Bản sắc này, được hình thành và phát triển theo hình thái tín ngưỡng tôn giáo đa thần hay độc thần. Chính niềm tin vào Thiên Chúa và nền văn minh từ bên ngoài du nhập vào, là những tác nhân đã làm cho đời sống của họ được biến đổi và thăng hoa về mọi mặt : văn hóa, khoa học kỹ thuật, kinh tế, quan niệm xã hội, tập tục lạc hậu được xóa bỏ dần dần…

Nhờ sự phát triển của xã hội. Các đồ dùng (phương tiện) phục vục cho việc tang ma thuận lợi hơn nhiều, cụ thể như : quan tài (áo quan), không còn vất vả và mất thời gian phải vào rừng lên núi, chặt cây, đục đẽo, cưa cắt... làm quan tài cho người đã khuất. Ngày nay, chỉ điện thoại hay đến dịch vụ an táng, để mặc cả, thỏa thuận trong vòng vài phút là mọi sự sẽ có ngay. Tiễn đưa về nghĩa trang cũng vậy, đã có xe tang (xe tang của công ty dịch vụ mai táng, xe khách, xe tang đẩy, kể cả xe công nông…) mà không cần phải cặt cây để làm dàn khiêng.

Mồ mả hiện nay được xây bằng gạch đá, xi măng, sắt thép… nên đẹp hơn. Không còn có sự phân biệt giàu nghèo, chủ tớ nữa. Vợ chết, người chồng có đủ thẩm quyền ở lại với mái nhà do từ bàn tay của mình làm nên ; với gia đình con cái do mình sinh ra, để nuôi dưỡng giáo dục, để lấp đi khoảng trống hay bù đắp tình thương của người vợ để lại mà ấp ủ, nâng niu, chở che, dìu dắt... những đứa con côi mẹ. Không thể làm cho những đứa con của mình bị thiệt thòi về tình thương yêu của cha mẹ. Mẹ mất thì còn có cha chăm sóc yêu thương. Và người cha sẽ vừa là cha vừa là mẹ vẫn còn tốt hơn là thiếu vắng cả cha lẫn mẹ. Ở lại với những đứa con của mình vẫn tốt hơn là cuốn gói về nhà ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, nơi chôn nhau cắt rốn. Ở lại với con cái do mình sinh ra, không những để yêu thương chăm sóc chúng nên người mà còn để chúng chăm sóc lại khi về chiều, hoặc những lúc ốm đau trở trời… cha con có chỗ tựa nương vào nhau là vậy.

Nhờ có công cuộc truyền giáo ở nơi các cộng đồng người Thượng, các dạng mê tín dị đoan được đẩy lùi vào quá khứ. Chết vì tai nạn lao động, xe cắn, trúng đạn, té sông... giờ đây không còn cần phải mời thầy cúng, thầy mo nữa. Có chăng cũng là một phần ít ỏi mà thôi, đó là những thành phần ít học, trình độ giáo lý và hiểu biết đức tin còn thấp kém, hoặc ít tham dự Thánh lễ, họa may chỉ đi lễ một lần trong một năm vào dịp Giáng Sinh là thôi. Còn các ngày lễ Chủ Nhật, lễ trọng, lễ bổn mạng... không cần biết và không muốn đi.

Nhờ công cuộc truyền giáo, loan báo Tin Mừng đã làm cho đời sống đồng bào Thượng nói chung và người Churu nói riêng được phát triển đáng kể về mọi phương diện : dân trí, quan niệm về tôn giáo xã hội và đời sống được thay đổi ; kinh tế, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật không ngừng được nâng cao...

Tóm lại, từ khi từ bỏ tín ngưỡng cũ, đa thần (thờ các thần linh : thần núi, thần rừng, thần mưa, thần mây, thần gió...) để lãnh nhận đức tin Kitô giáo đối với người Thượng là giai đoạn chuyển tiếp. Chính vì là giai đoạn chuyển tiếp, nên công việc loan báo Tin Mừng đòi hỏi cần phải có thời gian. Thời gian ở đây không có nghĩa là thời gian chờ đợi họ đến với mình, mà là thời gian mình cần dành cho họ, đến với họ, ở với họ : để tìm đến ; tìm gặp ; tìm cách trao đổi, trò chuyện cho thật thân tình, tạo cho họ sự gần gũi, khử trừ cái mặc cảm tự ti nhằm tạo nơi họ sự tự tin, để dễ nói chuyện với họ. Kể cho họ nghe về những câu chuyện trong Thánh Kinh, câu chuyện về Chúa Giêsu. Được như vậy, thế là công việc loan báo Tin Mừng Cứu Độ, về Giáo lý của Chúa Kitô, chân lý về Thiên Chúa được bắt đầu từ đó. Cần dành thời gian cho họ cũng có nghĩa là phải kiên trì, nhiệt thành, phải có lòng tôn trọng và yêu mến, chăm sóc, quan tâm bằng việc đến thăm hỏi họ thường xuyên... hiện diện với họ trong lúc vui cũng lúc buồn : các ngày lễ hội, đám cưới, đám tang... Cần dành thời gian là để tạo niềm tin yêu, sự tôn trọng ở nơi chính họ, và để họ cảm thấy sự hiện diện của các vị chủ chăn là ánh sáng chỉ đường cho họ đi tới đỉnh đồi yêu thương, chia sẻ và phục vụ, và đồng thời cũng là ánh sáng soi dẫn họ đặt tới chân lý. Sự hiện diện của các vị chủ chăn là niềm vui, là nguồn động viên khích lệ và là nguồn hạnh phúc của họ nữa.

Nhưng sự hiện diện đó không buộc phải là cùng ăn cùng uống như họ, mà là sự hiện diện của một vị chủ chăn : một vị chủ chăn đến để tìm kiếm ; tìm kiếm để gặp gỡ ; gặp gỡ để tìm hiểu ; tìm hiểu để gần gũi ; gần gũi để cứu vớt ; cứu vớt bằng việc hướng dẫn, dạy dỗ và khuyên bảo... ; cứu vớt bằng sự hiện diện để yêu thương nâng đỡ, chở che, ủi an và làm tất cả mọi sự vì họ, cho họ với con con tim biết yêu thương và phục vụ như Chúa Kitô đã yêu thương và hiến mạng sống mình vì đàn chiên...

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh tiệc cưới để nói về hạnh phúc thiên đường. Dĩ nhiên, chúng ta cũng phải đồng ý với Thánh Phaolô để nói rằng : Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống (Rm 14,17). Nhưng hình ảnh tiệc cưới, nói lên tầm quan trọng của sự hiện diện. Hiện diện để chia sẻ là cái cốt yếu của hạnh phúc, bởi vì niềm vui trọn vẹn nhất chính là niềm vui mà người ta chia sẻ cho người khác. Chính vì thế, Đức Giêsu đã lấy Thịt và Máu của mình để chia sẻ cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly. Bữa tiệc mà trong đó ngài hẹn ước với các ông là sẽ cùng chia sẻ “Rượu Mới” trong Nước của Cha Ngài (x. Mt 26,29 ; Lc 14,25 ; Lc 22,18). Chính việc chia sẻ cụ thể tấm bánh và ly rượu đó, nói lên sự chia sẻ niềm vui của Ngài cho các môn đệ, một niềm vui trọn vẹn (x. Ga 15,11), một niềm vui báo trước niềm vui bất diệt không có mãnh lực nào có thể cướp mất được (x. Ga 16,22). Sự diện hiện chân thành của vị chăn chiên chính là nguồn hạnh phúc của họ. Các ngài cũng diện hiện để chia sẻ bánh và rượu, bằng việc hy sinh, từ bỏ thời gian và công việc của mình mà đến với, hiện diện với... sự hy sinh tựa như một tấm bánh được bẻ ra để chia sẻ, như một giọt rượu để thấm vào...

IV. Lời bàn :

Vài nét khái quát về tập tục tang ma của người Churu mà con cố gắng trình bày trên. Đây như chỉ là một sự chia sẻ chứ không phải là một bài nghiên cứu có khoa bảng nào cả, và đã là sự chia sẻ thì chỉ là có sao nói vậy, nên sẽ có nhiều giới hạn, thiếu sót...

Và nói là lời bàn nhằm để kết thúc một bài chia sẻ vốn có nhiều hạn chế về chủ quan cũng như khách quan. Lời bàn ở đây muốn gởi lên các cha, các vị có nhiều kinh nghiệm trong mục vụ và chuyên môn, tìm cách khắc phục và giúp giải quyết những khó khăn mà chúng con đã, đang và sẽ gặp phải, đụng chạm hàng ngày trong sứ mạng loan báo Tin Mừng cho chính người bản địa của mình. Và lời bàn đó là :

Làm thế nào để đổi mới quan niệm hay tục lệ của họ ? Tức là muốn đổi mới cách suy nghĩ của họ cho phù hợp với thời đại mới ?

Làm cách nào để loại trừ những mê tín dị đoan, để có một đức tin tinh ròng ?

Những quan niệm cũ, hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan không phù hợp với đức tin Kitô giáo, không hợp vệ sinh, không phù hợp với đà tiến của khoa học... Là nguyên cớ làm cho anh em Tin Lành chỉ trích đạo Công Giáo của chúng ta là đạo sai lầm, hoặc không phải là đạo thật.

 

Lm. Phaolô B’ Nahria Yatine

Mục lục

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN- GIA ĐÌNH

 

HẠNH PHÚC HAY NẤM MỒ, ĐỀU LÀ TẠI MÌNH

 

Khi nói về hôn nhân, người Anh ví nó như một chuồng chim, sơn son thếp vàng cẩn thận, những con ở ngoài muốn bay vào, con ở trong lại muốn bay ra. Vì thế, mà cứ hợp tan, tan hợp, chẳng khi nào có điểm dừng.

 

Người Pháp lại coi nó như một cái thành nhỏ bị vây chặt, người ngoài thì muốn đột nhập, người trong thì muốn thoát đi.

 

Có người con tuyên bố bạo hơn: “Hôn nhân là nấm mồ của tình yêu”/

 

Ba câu nói nêu trên, đều có những khía cạnh “Quá độ”: Một cái chuồng để nhốt chim, một cái thành bị bao vây, một nấm mồ chết chóc. Hôn nhân mà “Quá độ” như vậy, thì lấy vợ lấy chồng làm chi cho khổ?

 

Để trả lời câu hỏi đó, có người lập luận: “Dù biết hôn nhân chất đầy nguy hiểm và đau khổ, nhưng vẫn phải kết hôn, vì: Trong cuộc sống, vợ là tình nhân thời còn trẻ, là bạn thời trung niên và là người bảo hộ lúc về già”.

 

Câu trả lời thực dụng và vật chất hết cỡ. Nó chỉ vì mình mà không vì người. Những cuộc hôn nhân như thế, làm vì có tình yêu. Bởi vì yêu hệ tại ở chỗ biết cho đi. Càng cho nhiều, càng chứng tỏ yêu nhiều. Tình yêu là cái không thể mua, không thể bán, mà chỉ có thể trao tặng cách tự do và vô vị lợi. Bởi đó, những người vị kỷ sẽ không có tình yêu. Đã thiếu tình yêu, thì gia đình có biến thành lồng chim, thành chiến địa bị phong tỏa, cũng chẳng có chi lạ.

 

Trên hành tinh ta đang sống, những gia đình hạnh phúc, đầm ấm, không phải là số ít. Như thế, hôn nhân và hạnh phúc là thực, chứ đâu phải ảo. Nhưng hạnh phúc và hôn nhân không phải là viên ngọc từ trời rớt xuống, cũng không phải là quả sung, tự nhiên rơi vào miệng. Càng không phải là một xa lộ lót đầy vàng, chẳng cần vất vã, chỉ cần giơ tay lượm về làm giàu.

 

Hạnh phúc hôn nhân là một bông lúa, chỉ có thể mọc lên, khi hạt thóc đã nứt vỏ. Nó là niềm vui phục sinh, sau khi đã chấp nhận tự hủy. Nói gọn lại, nó là hạnh phúc có điều kiện, chỉ có thể có được, nếu ta biết lướt thắng bản thân và ngoại cảnh.

 

Đủ điều kiện trên, hôn nhân sẽ là biển tình lai láng hạnh phúc. Câu chuyện cậu Tobia con, sánh duyên cùng cô hoa hậu Sara, thành Ra-gê, nước Mêđia là một bằng chứng. Lời cầu nguyện của họ, trong đêm tân hôn, cho ta thấy cái nguyên ủy của hạnh phúc: “Lạy Chúa! Giờ đây không phải vì lòng dục mà con lấy em con đây, nhưng chỉ vì lòng chân thành. Xin Chúa đoái thương con và em con, cho chúng con được chung sống bên nhau đến tuổi già” (Tb 8,7)

 

Làm ngược lại, thì hôn nhân đúng là nấm mồ thật. Bảy chàng trai, trước Tobia, đều đã chết thảm, ngay khi họ đến gần Sara. Vì họ đến với cô không phải vì lòng kính sợ Thiên Chúa, mà chỉ do dục vọng thúc đẩy.

 

Không có tình yêu vô vị lợi, không có sự hy sinh xả kỷ … thì lấy đâu được nguồn lực để hóa giải những xung khắc và bất đồng.

 

Không hóa giải được, thì hôn nhân là cái chuồng chim có gì đáng ngạc nhiên đâu. Hai con trống mái trong chuồng, thay vì thấy thiên đàng, chỉ thấy tù túng vô vị, nên bắt đầu “Cãi nhau”. Chuyện nhỏ cãi nhau nhỏ, chuyện lớn cãi nhau lớn. Mọi chuyện đều nổi lên cái cớ để cãi nhau. Cãi nhau, hình như, đã là cơn nghiền của họ. Mức độ đau thương nhiều khi vượt cả thảm họa của chiến tranh.

 

Những cuộc “Cãi vã trong tổ” đã hình thành một tâm trạng, ở những người trong cuộc: Muốn xổ lồng bay đi, muốn ly hôn để đi tìm một bầu trời mới. Hai người từ quen nhau, đến yêu nhau, rồi lấy nhau. Quyết tâm của họ không ai cản nổi. Vắng nhau lànhớ, xa nhau là buồn. Bởi đó, chỉ còn giải pháp thề hứa chung sống bên nhau trọn đời. Cái giờ phút quyết liệt và tuyệt vời đó, có cả Thiên Chúa hiện diện và chúc lành, có Giáo Hội để chứng nhận lời thề. Tình yêu của họ, lúc đó như khối gang, lấy dao mà chặt, thì chỉ mẻ dao. Nó mạnh như sự chết, chặt đứt nó, thì cũng như chặt đứt sinh mạng. Vậy mà, cái nhiệt tình đến với nhau đó, không dè, nay lại trở thành nhiệt tình chia tay nhau.

 

Từ đây, một tình trạng tâm lý nữa nổi lên: Nuối tiếc những gì ngày xưa còn dang dở và chán ghét những gì đã “Vẹn câu thề”. “Tình vui khi lỡ hẹn, đời hết vui khi đã vẹn câu thề” (Nhạc phẩm Nửa Cuộc Tình Buồn). Thế là “Tình cũ không rủ cũng đến”. Yêu nhau lắm, bây giờ cắn nhau đau. Trong nỗi đau, người ta lại thòm thèm “Tình cũ”. Nhưng chắc gì cái cũ đó đã tốt. Hiện tượng tâm lý trên, người ta gọi là “Hiệu ứng ngược”. Nó hệ tại ở chỗ, người ta rất dễ quên những việc đã hoàn thành, và lại nhớ như in những việc còn dở dang. Bởi đó mới có tình trạng: Chim trong chuồng muốn xổ chuồng bay ra.

 

Trào lưu ly hôn, đang bành trướng như hiện nay, quả thực, chỉ là một cách thể hiện tâm trạng coi thường hôn nhân.

 

Nếu không có tình cũ để mơ, thì người trong cuộc sẽ đi tìm tình mới, ở ngoài hôn nhân, để bù trừ. Họ là những người bắt cá hai tay, lòng tham vô tận. Đã có cái này, lại muốn thêm cái nữa. Có vợ rồi, nhưng vẫn muốn đèo thêm bà nhỏ. Mà bà nhỏ có khi chỉ bằng “Cháu nhà”. Tâm trí cứ như ở tận mây xanh, đôi chân chẳng bao giờ chạm đất, thì chẳng khi nào có thể toại ý.

 

Thái độ dùng tình nhân để bù đắp thiếu hụt trong tình yêu, theo trào lưu mới đang thịnh hành, thực sự chỉ là một thoái hóa trong tình yêu, một sự ấu trĩ, một cảnh phù du, một cụm mây bay. Mây đã bay, thì phải chấp nhận: Mây sầu lạc hướng.

 

Những cuộc “Tình thêm” chẳng khác gì những sải dây thừng, nó xỏ mũi người trong cuộc, kéo qua bên này, lôi sang bên kia. Nó là chiếc “Gông” khóa chặt vào cổ. Một gông đã ngộp thở, hai ba gông chắc sẽ hết thở.

 

Nếu trong hôn nhân, vợ cũng như chồng chỉ nhìn nhau ở cái mã “Quan to, nhà giầu”, mà không coi trọng sự chân thành, đức độ của nhau … thì trước sau gì cũng phải chấp nhận cá chậu, chim lồng. Bởi vì quan to nhà giầu hôm nay, rất có thể ngày mai sẽ là cùng đinh khố rách. Lúc đó, nếu không có đức độ và lòng trung thành, thì chán ghét nhau là điều dễ xảy ra.

 

Thời buổi hôm nay, chủ nghĩa thực dụng rất phổ biến: Nếu đàn ông chỉ có “Phần mềm” là sự yêu thương, chân thành, nhiệt tình và chịu đựng, nhưng không có “Phần cứng” là địa vị và tiền tài, thì rất khó thu hút được phái đẹp. Và những cuộc tình đặt chủ nghĩa thực dụng làm phương châm, thì “Đứng núi nầy trông núi nọ” rồi tiếp đến “Anh đi đường anh, tôi đường tôi”, sẽ là kết cục chờ ngày lộ diện mà thôi.

 

Một đôi trai gái đến với nhau, chỉ vì một điểm duy nhất là nhan sắc bên ngoài, thì đã tự chấp nhận mình chỉ là một cái hoa. Đã là hoa, thì dù đẹp mấy chăng nữa, cũng phải chấp nhận định luật tàn phai. Sắc đẹp dù chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn, đã có sự hỗ trợ của những mỹ phẩm hàng đầu thế giới … thì cũng không thể thoát khỏi sự già nua. Đến với nhau chỉ vì vẻ đẹp của hoa, thì khi hoa tàn, bỏ nhau, chẳng có gì là lạ lùng.

 

Bởi đó, chẳng nên ký thác tình yêu và cuộc sống chồng vợ vào cái “Vốn liếng” ngoại hình của mình, nhưng hãy đặt nó vào cái đẹp nội tâm, một cái đẹp có sức hấp dẫn lâu dài, đủ khả năng dệt nên cuộc sống tươi đẹp, cho dù đã ở tuổi, đầu bạc răng long.

 

Muốn hôn nhân không phải là “Cái chuồng nhốt chim” hoặc “Nấm mồ” mai táng tình yêu, cả vợ cả chồng cần phải trau dồi những kiến thức đối xử với nhau, phải học cách quan tâm đến nhau, phải biết vượt qua cái bên ngoài, để thấy được cái chiều sâu bên trong của nhau. Tình yêu chỉ dừng lại ở cảm quan, thì nhất định sẽ không duy trì được độ lâu bền.

 

Đã là người, ai cũng có nhu cầu “Yêu và được yêu”. Với vợ chồng, nhu cầu trên càng cần thiết. Tình yêu không phải là cái thùng rổng tuyếch, mà phải có cái nội dung bên trong. Nội dung đó là trách nhiệm của mỗi người đối với nhau, muốn tránh khỏi nhàm chán, cần phải biết sáng tạo và thăng hoa không ngừng. Không sáng tạo ra những tình cảm mới, những cách trao tặng mới, thì sự nhàm chán sẽ chen chân vào. Và sự nhàm chán đó sẽ là đường, đưa hôn nhân trở thành một bãi tha ma thật sự.

 

Anh chị thân thương,

 

Những cách nghĩ bi quan về hôn nhân, hiện thời, không phải là ít. Nhiều sự kiện cũng góp phần minh chứng điều đó. Nhiều gia đình chỉ còn cái vỏ hạnh phúc, còn bên trong, thực sự, chỉ là cái tổ lo.

 

Nhưng những tín hiệu lạc quan về gia đình cũng không phải là số nhỏ. Nhiều gia đình, dù trong những hoàn cảnh khó khăn, vẫn trung thành với sứ mệnh đặc hữu của mình, vẫn kiên vững trong tình yêu duy nhất và thủy chung, vẫn trân trọng sự sống, vẫn chuyên chăm trong trách nhiệm giáo dục con cái, về đức tin cũng như những đức tính nhân bản.

 

Hai con đường đó, những ngày chuẩn bị thành hôn, chắc chắn anh chị đã nhận diện được nó.

 

Sau thánh lễ hôm nay, anh chị chính thức trở thành vợ chồng. An sủng của bí tích sẽ ở với anh chị, nâng đỡ anh chị và phụ giúp anh chị thực hiện những trách vụ của hôn nhân.

 

Hy vọng, với ơn Chúa ban, theo từng bậc sống, anh chị sẽ đủ quả cảm và quyết định đi vào con đường thứ hai, con đường lạc quan về gia đình.

 

Dĩ  nhiên sẽ có những khó khăn, bậc sống nào chẳng có trắc trở. Vì thế, có nó, chỉ là chuyện thường tình. Phấn đấu và vượt qua nó, mới là con đường đi tới vinh quang.

 

Cầu chúc anh chị sẽ đạt được vinh quang đó, để góp phần xây dựng những giá trị căn bản của gia đình, trong cuộc sống đầy biến động hôm nay.

 

 

Lm. Hồng Nguyên

Mục lục

 

 

ĐỌC SÁCH

 

 

CHIA SẺ CÔNG TÁC MỤC VỤ GIÁO XỨ TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY (tiếp theo)

D. MỘT NGÀY CỦA LINH MỤC

Đây là kinh nghiệm của cá nhân tôi về một ngày sống của mình, xin chia sẻ với quý linh mục trẻ để có thể giúp cho các ngài được chút gì chăng ?

Đời sống của linh mục thì cũng giống như đời sống của những người khác, cũng là làm việc, ăn uống, ngủ, giải trí, học hành và kinh nguyện, nhưng nói như thế không phải là đời sống của một linh mục hoàn toàn giống như của người khác, bởi vì linh mục có những công việc của ngài mà không ai có thể làm giùm được, cũng như người khác có công việc của họ mà không ai có thể thay thế được.

Từ sáng sớm ngài đã thức dậy lúc 4, 5 giờ để đọc Kinh Sách và suy tư cho thánh lễ mà ngài chuẩn bị cử hành sáng nay, đây là giây phút yên tĩnh nhất và có thể nói là dễ chịu nhất trong ngày, sau khi tập vài bài thể dục để giữ gìn sức khỏe, làm vệ sinh cá nhân và nếu được thì tắm nước lạnh để cho tinh thần sảng khoái, sau đó ngồi vào bàn viết đọc sách, suy tư cho đến khi chuông nhà thờ đổ thì xuống nhà thờ cùng đọc kinh lần hạt với giáo dân. Ngài sẽ ngồi trong tòa giải tội để đợi giáo dân đến làm hòa với Thiên Chúa, nếu không có giáo dân đến xưng tội thì ngài sẽ ngồi ở đó để đọc kinh, đây là hình ảnh đẹp của bức tranh “mục tử nhân lành” của giáo xứ : con cái đọc kinh, cha sở ngồi bên cạnh canh chừng và bảo vệ đoàn chiên của mình bằng bí tích Giải Tội, giáo dân thấy cha sở ngồi trong tòa, tay đang lần hạt (hoặc đọc sách thiêng liêng) làm cho họ thêm phần an ủi và vui tươi, và họ rất an lòng vào xưng tội để chuẩn bị tâm hồn tham dự thánh lễ cách sốt sắng...

Giờ lễ Misa đã đến, ngài thật nghiêm trang và thánh thiện tiến ra bàn thờ và mời gọi giáo dân hãy chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng để cử hành mầu nhiệm thánh.

Trong thánh lễ ngài dẫn đưa giáo dân của mình đến bàn tiệc thánh bằng lời giáo huấn đã chuẩn bị hợp với ý lễ ngày hôm đó, và trong bài giảng, ngài chia sẻ cho giáo dân biết những gì mà ngài đã cảm nghiệm, đã suy tư và đã sống, để qua ngài, các giáo dân dễ dàng đến với Chúa Kitô hơn.

Thánh lễ xong, ngài quỳ lại hai ba phút để tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành mà Thiên Chúa đã ban cho ngài trong thánh lễ, sau đó ngài chuyện trò ít phút với giáo dân, hỏi thăm sức khỏe và công ăn việc làm của họ và con cái họ, ai đau yếu cần đưa Mình Thánh Chúa, ai bệnh nặng muốn ngài đến nhà cho giải tội, có ai nằm bệnh viện cần ngài đến an ủi..v... tất cả những hành vi và thái độ ấy được ngài thực hiện với cả tâm hồn yêu mến và chăm lo, chỉ cần vài phút ấy thôi, ngài đã làm cho giáo xứ của mình trở thành một đại gia đình đúng nghĩa yêu thương của nó.

Buổi sáng sau thánh lễ, ngài sẽ tranh thủ vừa điểm tâm vừa đọc báo số ra hằng ngày, hoặc ngài sẽ coi truyền hình để biết thêm tin tức trong nước cũng như những tin tức của thế giới. Sau đó ngài chính thức làm việc : đi thăm giáo dân, dạy giáo lý hôn phối, trả lời thư, đọc sách, hoặc làm những việc gì khác mà ngài đã lên chương trình cần phải làm trong ngày.

Linh mục trẻ, linh mục đẹp trai, linh mục có tiền, linh mục có địa vị, linh mục có học thức.v.v... tất cả những danh từ ấy người đời gán cho các linh mục, vì họ thấy đời sống của các linh mục thật cao sang và hưởng thụ hơn người khác, đó là sự thật. Cho nên, nếu trong ngày mà các linh mục không có việc làm thì sẽ như thế nào ? Thưa, các linh mục sẽ chạy xe đi chơi, đi uống cà phê, đi giải trí, đi đấu láo và đi uống rượu, nếu không là như thế thì các ngài sẽ coi phim trên video, trên TV hoặc trên internet đến nổi quên cả đi xức dầu cho bệnh nhân, và cuối cùng thì...

Các linh mục trẻ thân mến,

Hãy kiếm việc mà làm đừng để cho mình rảnh rỗi, đó là một kinh nghiệm mà các linh mục trẻ thử đi hỏi các vị linh mục đàn anh xem sao, các vị ấy cũng sẽ trả lời như thế : kiếm việc mà làm. Có người sẽ cười việc gì mà kiếm ? Thì tôi xin trả lời là việc của nhà xứ, việc của các đoàn thể, việc của cá nhân linh mục (học hành, đọc sách.v.v...), tóm lại là đừng để cho mình ở không mà không làm gì cả, bởi vì mối thứ bảy trong bảy mối tội đầu là : làm biếng, bởi vì tất cả các tội, các tệ nạn xã hội cũng đều từ đó mà ra không loại trừ một ai cả...

Tôi vẫn thường cảm nghiệm rằng : nếu một linh mục mà không làm gì cả ngoài việc cử hành thánh lễ, các bí tích, đi thăm bệnh nhân.v.v... thì đời sống tu đức của linh mục ấy sẽ không được triển nở tốt đẹp, bởi vì không phải ngày nào cũng có người sắp chết để đi xức dầu thánh cho họ, không phải ngày nào cũng đi cho kẻ liệt (người bệnh) rước Mình Thánh Chúa, cũng không phải ngày nào từ sáng đến tối ngồi trong tòa giải tội, và cũng không phải ngày nào cũng họp hành. Cho nên ngoài những giờ ấy ra, nếu chúng ta –các linh mục- không tự kiếm việc làm thì chắc chắn sẽ có nhiều điều không tốt xảy ra cho đời sống tu đức và vai trò mục tử của chúng ta.

Có linh mục ngoài việc mục vụ ra thì dùng thời gian rảnh rỗi tự mình sửa điện trong nhà thờ, có linh mục thì làm thợ mộc đóng vài cái kệ để sách hoặc làm bục giảng rất đẹp, có linh mục thì viết sách, dịch sách, lại có linh mục thì dạy học hoặc đi học thêm.v.v... tất cả những việc làm ấy sẽ chiếm khoảng trống thời gian không cần thiết của linh mục, và sẽ là nguồn cảm hứng cảm nghiệm của các ngài trong cuộc sống, để qua suy tư các ngài có đủ chất liệu cần thiết để giảng dạy cho giáo dân của mình...

Tối đến, trong khuôn viên nhà thờ ngài có thể vừa đi vừa lần hạt Mân Côi cũng như để suy tư, sau đó ngài ngồi vào bàn làm việc viết xuống những suy tư của mình đã cảm nghiệm hoặc vừa mới nảy sinh trong ý tưởng của mình.

Buổi tối công việc tạm lắng xuống và khi ngồi trước bàn viết, lắng đọng suy tư thì dễ cảm nghiệm được ơn Thiên Chúa đã ban cho mình trong một ngày qua. Đây là giây phút hoàn toàn dành cho mình, mọi ý tưởng sẽ như giòng suối chảy ra làm tâm hồn phấn khởi hân hoan. Mặc dù đang yên tĩnh nhưng ngài vẫn sẵn sàng nghe điện thoại khi có người gọi đến mà không bực mình, bởi vì ngài luôn luôn trong tư thế “sẵn sàng” để đứng dậy và mau mắn đi đến với người hấp hối để xức dầu thánh cho họ, hoặc trả lời những câu hỏi mà giáo dân –qua cú điện thoại- hỏi chúng ta là những cha sở, cha phó về những sinh hoạt trong giáo xứ...

Một ngày của linh mục sẽ chấm dứt khi chuông đồng hồ gõ mười hai giờ đêm, và ngài bình an phó thác giấc ngủ trong tay Thiên Chúa đã yêu thương ngài cách đặc biệt.

E. LỜI KẾT

Trên đây là những kinh nghiệm mục vụ mà tôi đã áp dụng vào đời sống của một linh mục dòng đang làm công tác mục vụ ở giáo xứ, dù là linh mục của dòng tu, nhưng khi làm mục vụ tại giáo xứ thì cũng đều như các linh mục khác là đem ánh sáng Tin Mừng của Chúa Giêsu đến cho mọi người.

Khi mà xã hội càng ngày càng phát triển, con người ngày càng văn minh tiến bộ và cuộc sống của họ ngày càng mong muốn hưởng thụ vật chất hơn của ăn tinh thần, trong đó cũng có những người Kitô hữu là giáo dân của chúng ta. Họ ngợp mắt trước những thú vui thế gian, họ ngưỡng mộ những minh tinh màn bạc và thích có đời sống hưởng thụ sung sướng, thì vai trò linh mục của chúng ta càng quan trọng hơn nhất là nơi giáo xứ của mình, bởi vì chính chúng ta là những người có trách nhiệm bảo vệ chân lý đức tin và làm cho nó được phát triển đến với mọi tâm hồn.

Giáo Hội Việt Nam chúng ta rất tự hào vì có rất nhiều ơn gọi làm linh mục, tu sĩ nam nữ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp bách là rao giảng Lời của Thiên Chúa cho mọi người, vì thế chúng ta –những linh mục- cần thấy rõ vai trò của mình hơn để vì Thiên Chúa vì Giáo Hội mà hy sinh chính bản thân của mình cho công cuộc truyền giáo ngay trong giáo xứ của mình.

Giáo dân ngày càng trưởng thành trong cách sống đạo thì chúng ta không thể nói với họ rằng : lời cha (cha sở) là lời của Thiên Chúa khi mà chúng ta đem những điều bất hợp lý đặt lên vai của giáo dân, chúng ta lại càng không thể như một chủ nhân ông chỉ tay năm ngón với thái độ hách dịch khi tiếp xúc với giáo dân, bởi vì giáo dân ngày nay không như giáo dân của thế kỷ trước, họ sống đức tin giữa đời nhiều hơn là ở trong nhà thờ, họ tìm thấy Thiên Chúa nơi chợ búa hơn là nơi một thánh đường lộng lẫy hùng tráng nhưng cha sở thì quá hưởng thụ vật chất hơn cả họ.

Truyền giáo tức là đem cái đạo của mình tin mình sống mình thực hành nói cho người khác biết để họ cùng tin cùng làm như mình.

Truyền giáo là bổn phận của những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, mà trách nhiệm hướng dẫn giáo dân truyền giáo là của các linh mục.

Truyền giáo là diễn lại đời sống yêu thương và hy sinh của Chúa Giêsu ngay trong đời sống của mình.

Truyền giáo ở giáo xứ của mình không đòi hỏi phải lặn lội mất ăn mất ngủ mất sức khỏe như đi khai phá thêm những cánh đồng truyền giáo mới, cho nên xét cho cùng, chỉ cần các linh mục có một tinh thần nhiệt thành với công tác mục vụ, một tâm hồn khiêm tốn khi làm mục vụ, một quả tim yêu thương và sự hy sinh khi làm mục vụ thì có thể biến giáo xứ của chúng ta trở thành một đại gia đình mà trong đó mọi giáo dân biết yêu thương và kính trọng nhau.

Linh mục sẽ là người của mọi người khi ngài biết sống hòa đồng và lắng nghe, ngài cũng sẽ là người mà giáo dân lấy làm hãnh diện vì lòng khiêm tốn và sự tận tụy trong công tác mục vụ giữa giáo dân của ngài...

Năm truyền giáo sẽ qua đi nhưng công cuộc truyền giáo sẽ phải vẫn còn và tiếp tục cho đến ngày Chúa Giêsu lại đến, và việc truyền giáo đạt kết quả hay không là do chúng ta –các linh mục- cộng tác với ơn thánh của Thiên Chúa ban cho trong bí tích truyền chức thánh, có nghĩa là chúng ta phải tích cực thi hành sứ mạng và sứ vụ mà chúng ta đã lãnh nhận từ nơi Giáo Hội để tiếp tục công việc cứu độ của Chúa Kitô cho đến ngày Ngài lại đến.

Bài chia sẻ đến đây là chấm hết, nhưng nó vẫn cứ còn tiếp tục trong cuộc sống truyền giáo của chúng ta là những linh mục của Chúa Kitô, mỗi lời nói mỗi việc làm đều phản chiếu lại tình thương của Chúa Kitô trên giáo dân của mình, như chính Ngài đã bôn ba lặn lội đi tìm con chiên lạc và chữa lành cho họ.

Lạy Chúa Giêsu Kitô linh mục,

Chúa đã đến trong thế gian để loan báo tin vui Nước Trời,

để đi tìm và chữa lành

để an ủi

những con chiên lạc, những con chiên bệnh hoạn,

khổ đau

và cuối cùng đã chết trên thập giá

với tất cả tình yêu và tha thứ

để cứu chuộc nhân loại tội lỗi.

Ngày hôm nay,

Qua chúng con –là những linh mục-

Chúa cũng đang đi tìm và chữa lành, an ủi,

những người con của Chúa đang bôn ba giữa đời:

đang đau khổ vì không nhà để trú,

đang thất vọng vì thấy đời quá bất công,

đang buồn phiền vì bị phân biệt đối xử

đang đói khát vì không có gì ăn...

Họ đang chờ một lời an ủi của chúng con,

đang chờ nụ cười chào hỏi thân tình của chúng con,

để thấy lóe lên niềm hy vọng

hy vọng của tình người

được thắp lên từ nơi chúng con,

và từ đó

họ nhận ra được dung mạo của Chúa nơi chúng con

là yêu thương, là tha thứ, là phục vụ...

Mọi ngày của linh mục đều là thánh lễ

thánh lễ hi sinh và đền tội,

hi sinh chính mình và đền tội cho tha nhân...

Viết xong ngày 1.10.2004

Lễ thánh Têrêxa Hài Đồng

Taipei-Taiwan

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Mục lục

 

 


[1] Linh mục Vincent Lebbe là đấng sáng lập 4 cộng đoàn tu hội : 1. Hội dòng Tiểu Đệ thánh Gioan Tẩy Giả (CSJB). 2. Hội dòng Tiểu Muội thánh Têrêxa Hài Đồng (CST). 3. Hội Trợ Tá truyền giáo – Bỉ (SAM). 4. Hội Vincent Lebbe quốc tế phục vụ (ICA).

[2] Xem “Xuân Phong Thập Niên” tác giả Lm. Alexandre Tsao, csjb. Bản dịch Việt ngữ tập I (photocopy) của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

[3] Giáo luật về “bổng lễ”, điều 945 tiết 2.